Cảng biển nước sâu - một trong những lợi thế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/6/2010 tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UBND các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định tổ chức.



Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm TP Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng có vai trò và động lực lớn trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng như cả nước. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều qua (18/6), ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, làm thế nào để nhanh chóng đánh thức tiềm lực của vùng đất này đến nay vẫn là trăn trở, khát vọng của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương trong vùng.



Từ thực tế đó, sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm này nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là FDI trong 3 lĩnh vực trọng tâm nêu trên. Hội nghị cũng là cơ hội, diễn đàn để các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi hợp tác đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực mà Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là dịp để từng địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trực tiếp giới thiệu, xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với những dự án trọng điểm trong 3 lĩnh vực nêu trên.

Ngoài ra, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho biết: Sự gia tăng mạnh mẽ của lượng vốn FDI kể từ năm 2007 với một số dự án quy mô lên đến hàng tỷ USD đã dấy lên một làn sóng đầu tư mới vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tính đến hết tháng 3/2010, toàn vùng đã thu hút được 377 dự án còn hiệu lực với tổng vốn FDI đăng ký, kể cả cấp mới và tăng vốn, đạt gần 14,4 tỷ USD, chiếm 74% về số dự án và 61% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, tổng vốn FDI vào vùng đã đạt mức kỷ lục gần 11,3 tỷ USD, hơn gấp 4 lần của 19 năm trước đó cộng lại. Nhiều chuyên gia dự đoán, với sự phục hồi của khu vực kinh tế thế giới, tình hình thu hút FDI vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2010 và những năm tiếp theo vẫn tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Giải thích về những khó khăn khiến thời gian trước nhà đầu tư chưa mặn mà với miền Trung, ông Lê Trí Thanh- đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên, bên cạnh đó, chất lượng nhân công cũng như yếu tố về kết cấu hạ tầng trước đây của vùng cũng còn nhiều hạn chế, vì thế ảnh hướng lớn đến hoạt động đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, miền Trung đã dần dần khắc phục được những yếu điểm của mình. Về nguồn nhân lực, cụ thể là tại Quảng Nam, bên cạnh đẩy mạnh đào tạo yếu tố con người tại các cơ sở chất lượng cao (trường Đại học, Trung tâm đào tạo lao động), tỉnh còn chú trọng kết hợp với các tổ chức về du lịch tác động tới nhận thức của người dân về môi trường, quy hoạch đất đai... Vấn đề kết cấu hạ tầng cũng có nhiều chuyển biến tích cực: đường cao tốc Đà Nẵng – Bình Định, hệ thống cảng biển nước sâu đang triển khai tốt…

Ngoài ra, chia sẻ về những lợi thế đối với các nhà đầu tư khi đến với tỉnh Quảng Nam, ông Thanh nhấn mạnh: Tỉnh sẽ đặc biệt hỗ trợ các nhà đầu tư về 2 vấn đề chính. Thứ nhất, sẽ tạo điều kiện nhanh gọn về thủ tục hành chính, chủ yếu là cơ chế một cửa. Thứ hai, chính sách giải phóng mặt bằng sẽ hết sức thông thoáng. Các chính sách về tài chính, về thuế và một số ưu đãi khác sẽ thống nhất chung như quy định của Nhà nước. Các thông tin sẽ đảm bảo tính minh bạch cao.

Dự kiến, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có khoảng 400-500 đại biểu.
Về phía Trung ương, có Lãnh đạo Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành TW (Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Giao thông- vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Về phía địa phương, gồm có đại diện các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Về phía các tổ chức quốc tế, gồm một số Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Tổ chức quốc tế (IMF, WB, UNDP, ADB, JICA, JETRO, KOTRA…), hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, EU…
Ngoài ra, còn có sự tham dự của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp trong nước, một số đoàn doanh nghiệp FDI đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu, châu Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Singapo và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các cá nhân nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Theo Công Thương điện tử