Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) tận dụng, phát huy được lợi thế về đất đai, nguồn nguyên liệu, tay nghề lao động sẵn có tại nông thôn; góp phần di dời các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thu nhập ở nông thôn thông qua thu hút các dự án đầu tư, tạo ra việc làm cho lao động nông thôn, duy trì phát triển nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm mới ở nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 22/01/2014 của Chính phủ, Quyết định số 1277/QĐ-BCT ngày 17/02/2014 của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, nhất là tại các thành phố lớn để khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất theo quy hoạch và hạn chế ô nhiễm môi trường. Công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN ở các địa phương tiếp tục được quan tâm, tăng cường tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, góp phần làm tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy của các CCN.


Hiện nay, công tác quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN theo đánh giá cơ bản đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của cả nước có 1.467 CCN với tổng diện tích 48.899 ha. Số CCN tập trung nhiều ở vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ.


Để góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, lao động mất đất do bị thu hồi, thiếu đất sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, các CCN được hưởng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương (NSTW). Theo chương trình khuyến công quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương đã dành khoảng 10% kinh phí hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết (QHCT) và đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các địa phương. Năm 2016, đã hỗ trợ 08 CCN với tổng kinh phí 9.771 triệu đồng (trung bình hỗ trợ 1,2 tỷ đồng/1 cụm); năm 2017, đã ghi vốn hỗ trợ 09 CCN với tổng kinh phí 12.670 triệu đồng (trung bình hỗ trợ 1,4 tỷ đồng/1 cụm).


Về hỗ trợ hạ tầng CCN tại 41 địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 NSTW hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho 06 địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ 68,2 tỷ đồng, gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam. Năm 2017, có 08 địa phương được ghi vốn hỗ trợ với tổng kinh phí 44,0 tỷ đồng, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Kon Tum.


Theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến nay tổng vốn đã đầu tư hạ tầng của các CCN là 15.762 tỷ đồng; hình thức đầu tư hạ tầng chủ yếu là cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất). Cả nước có 721 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng với tổng diện tích xấp xỉ 20.056 ha. Có 472 CCN (với tổng diện tích khoảng 13.273ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư 44.891 tỷ đồng (trung bình 3,4 tỷ đồng/ha), đã và đang tiến hành đầu tư hạ tầng.

Số CCN được lập QHCT xây dựng chiếm 49% so với quy hoạch (721/1.467 cụm); trong đó, số CCN được phê duyệt dự án, đang triển khai đầu tư hạ tầng chiếm 65,4% so với QHCT (472/721 cụm), tiến độ đầu tư, giải ngân vốn đạt 35% so với tổng mức đầu tư, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ.


Kết quả đã có 621 CCN (tổng diện tích 19.536 ha) đi vào hoạt động, chiếm 42,3% số CCN quy hoạch; thu hút 10.680 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 137.568 tỷ đồng; đạt tỷ lệ lấp đầy 61%; duy trì việc làm cho 537.172 lao động ở nông thôn. Trong đó, 98 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 15,7%).


Chính sách hỗ trợ CCN từ NSTW mặc dù chưa nhiều nhưng bước đầu đã động viên, hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn về vốn, hoàn thành đầu tư một số hạng mục hạ tầng thiết yếu để nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.


Để tiếp tục phát triển CCN trong thời gian tới, kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường xây dựng thể chế, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến CCN; thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc quản lý nhà nước về CCN.


Arid - Moit