.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó yếu tố tăng do giá khoảng 15,6% và yếu tố tăng do lượng khoảng 14,7%, bằng 53% kế hoạch năm.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 6 tháng qua ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu do được lợi về giá. Trừ mặt hàng gạo, còn lại giá xuất khẩu tất cả các mặt hàng khác đều tăng như cà phê, cao su, hạt điều, chè…Do vậy, trong cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu, thì nhóm hàng nông, thủy sản có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất và trong 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, có sự góp mặt của hai mặt hàng mới là cà phê và cao su. Dự báo, khối lượng xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam có thể đạt hơn 790 nghìn tấn với giá trị đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm về lượng nhưng tăng hơn về giá trị so với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010. Theo Hiệp hội cao su VN, thời điểm này, giá tăng, xuất khẩu cao su nguyên liệu có lợi, nhưng cũng cần tính đến biện pháp gia tăng giá trị trong dài hạn. Bà Trần Thị Thuý Hoa-Tổng thư ký HH cao su VN cho biet: Chúng ta cũng nên chớp cơ hội này để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy, chế biến sản phẩm cao su ở VN để phát triển bền vững, đón đầu xu hướng các nhà đầu tư chuyển nhà máy về gần vùng nguyên liệu. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến để nâng cao giá trị cao su xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường, giảm dần xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc để giảm rủi ro khi chính sách biên mậu thay đổi.
Cũng giống như nhóm hàng nông, thủy sản, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng được lợi về giá, nên mặc dù lượng xuất khẩu dầu thô và than đá đều giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm đạt 5,2 tỷ USD, tăng 26% và chiếm tỷ trọng 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, cao hơn tốc độ chung như sản phẩm hóa chất, chất dẻo, túi xách, va li, mũ, ô dù, giày dép, sắt thép các loại…Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng: linh kiện máy tính và sản phẩm, phương tiện vận tải và phụ tùng, thậm chí có một số mặt hàng tăng trưởng âm như dây điện, cáp điện, hóa chất…Đây là điều cần lưu ý để có chính sách, biện pháp hỗ trợ cho những ngành này đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.
Một điểm đáng chú ý nữa về tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm nay, theo ông Nguyễn Như Chinh-Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương, đó là xuất khẩu vào các khu vực thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do đã tăng cao hơn: Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng như Chính Phủ rất quan tâm, làm thế nào doanh nghiệp tận dụng được cơ hội do đàm phán mở cửa thị trường. 6 tháng năm nay, tỷ lệ xin C/O ưu đã, tức là mở cửa thị trường về thuế đối với hàng xuất khẩu của chúng ta chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu, với giá trị tuyệt đối khoảng 6,5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu. Thông thường các năm trước, tỷ lệ này chỉ từ 9-10%, 6 tháng năm 2010 chúng ta nỗ lực nâng lên 13,7%. Đây là điểm nhấn cần phát huy để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường được hưởng thỏa thuận ưu đãi, cụ thể việc được cắt giảm thuế làm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp
Tín hiệu đáng mừng nữa là nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên tốc độ nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua đạt thấp hơn. Tỷ lệ nhập siêu bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất của các tháng đầu năm trong vòng 5 năm trở lại đây và thấp hơn chỉ tiêu 16% của Chính phủ đề ra. Trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu đã có xu hướng chậm lại và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung về nhập khẩu(25%) do việc tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu của các Bộ, ngành. 6 tháng qua, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 13,6% và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 0,7%. Theo dự báo, trong các tháng tới, với việc Thông tư 20/2011/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/6 vừa qua, khả năng lượng xe ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng chững lại so với trước đây. Như vậy, nhóm hàng hạn chế nhập khẩu sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Anh Tú -VOV