Trong khi nền kinh tế cả nước phục hồi chậm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và các cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn thì việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ, động viên các cơ sở công nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết.


Các chương trình, đề án khuyến công của Yên Bái đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN – TTCN tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.


Là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái (Trung tâm) thường xuyên phối hợp với các sở, ngành chức năng; phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khuyến công phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Các hoạt động khuyến công được Trung tâm triển khai, thực hiện tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua việc hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, tổ chức hội trợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu, tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ trong nước, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CNNT tham gia gian hàng tại hội trợ.; Phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin như: xây dựng các chuyên mục khuyến công tuyên truyền trên Đài phát thanh – truyền hình Yên Bái, cung cấp tin bài cho bản tin Công Thương, báo Công Thương và tạp chí Công Thương; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công như: tổ chức hội nghị khuyến công vùng; tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến công; tổ chức hội nghị triển khai các văn bản mới; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khuyến công; hội nghị sơ kết, tổng kết và một số các hoạt động khuyến công khác nhằm phục vụ công tác chuyên môn về hoạt động khuyến công. Góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn ngày càng phát triển; tạo động lực giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.


Từ đầu năm 2011 đến nay, Trung tâm phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT triển khai thực hiện hỗ trợ cho 147 đề án và các hoạt động khuyến công khác với tổng kinh phí thực hiện 13.870 triệu đồng, trong đó: kinh phí quốc gia 5.880 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương 7.990 triệu đồng. Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia: thực hiện hỗ trợ cho 16 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, kinh phí hỗ trợ 3.030 triệu đồng; 09 đề án hỗ trợ ứng dựng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất, kinh phí hỗ trợ 630 triệu đồng; 01 đề án tổ chức hội nghị khuyến công vùng, kinh phí thực hiện 180 triệu đồng; 02 đề án tổ chức hội chợ triển lãm, kinh phí thực hiện 2.040 triệu đồng.

 

Với nguồn kinh phí khuyến công địa phương: thực hiện hỗ trợ cho 119 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất, kinh phí thực hiện 6.687 triệu đồng và các hoạt động khuyến công khác, kinh phí thực hiện 1.303 triệu đồng. Việc hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.500 lao động tại địa phương, thu hút được các nguồn vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng. Nội dung các đề án khuyến công tuân thủ theo đúng các nội dung của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP (nay là 45/2012/NĐ-CP), phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. Phù hợp và có tác động tốt với các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Hoạt động khuyến công ngày càng trở nên thiết thực hơn đối với cơ sở CNNT trong giai đoạn này. Góp phần động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tạo lòng tin cho cơ sở đối với Đảng và Nhà nước;


Tuy nhiên, nhìn lại 4 năm triển khai, thực hiện chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015 tại Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Hiện tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác khuyến công; đội ngũ cán bộ khuyến công ở các địa phương phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm; Các nội dung hoạt động khuyến công chưa được thực hiện đầy đủ, mới chỉ thực hiện ở một số nội dung như: Hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.


Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa vai trò công tác khuyến công trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, phát triển sản phẩm mới và mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp, nhằm góp phần gia tăng giá trị sản xuất CN-TTCN chung của toàn ngành; đồng thời, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển ngành công thương phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh.


Ngọc Lan - Sở Công Thương tỉnh Yên Bái