Nằm sâu trong nội địa nhưng Yên Bái tương đối thuận lợi về giao thông, là đầu mối trung chuyển của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng lên cửa khẩu Lào Cai; trong tương lai khi đường cao tốc Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc) hoàn thành và sân bay Nga Quán được chuyển hướng phục vụ mục đích dân dụng sẽ tạo cho Yên Bái lợi thế lớn trong việc giao lưu kinh tế với các tỉnh bạn, với thị trường trong nước và quốc tế.
Tài nguyên khoáng sản của Yên Bái là một tiềm năng quý của quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Khoáng sản của Yên Bái đa dạng về chủng loại song phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, mức độ điều tra địa chất còn sơ lược. Đáng chú ý nhất hiện nay là đá vôi trắng làm khoáng chất công nghiệp và làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ; tiếp đó là nguyên liệu gốm sứ (Kaolin, felspat, thạch anh), đặc biệt là quặng sắt.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 36 giấy phép khai thác quặng sắt còn hạn cấp cho 27 đơn vị, trong đó Bộ tài nguyên và Môi trường cấp 02 giấy phép ( mỏ sắt Làng Mỵ của Công ty phát triển số 1-TNHH 1 thành viên; mỏ sắt núi 300 của công ty cổ phần khai thác Minh Đức); còn lại 34 giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp phép cho 25 doanh nghiệp; 08 mỏ đang tiến hành khai thác có sản phẩm; 08 mỏ đang tạm dừng khai thác do chất lượng quặng đạt thấp hoặc khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm; 09 mỏ đang tiến hành xây dựng cơ bản mỏ; còn lại 11 mỏ mới được cấp phép khai thác, đang hoàn thiện các thủ tục thuê đất; do đó chưa đưa mỏ vào hoạt động.
Các mỏ hiện đang khai thác với sản lượng nhỏ hơn công suất thiết kế, khai thác không liên tục do giá bán sản phẩm thấp trong nước thấp, không xuất khẩu được sau khi có chỉ thị 02/Ct-TTg. Sản lượng khai thác quặng sắt 12 tháng năm 2012 chỉ đạt 468.796 tấn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có Công ty cổ phần Thép Cửu Long Yên Bái đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy tuyển, luyện gang và cán thép tại khu công nghiệp phía Nam công suất 200.000 tấn/năm, hiện đang tạm dừng việc đầu tư nhà máy để chờ chính phủ cho phép bổ xung quy hoạch để nâng công suất nhà máy và đang triển khai các thủ tục để xin cấp phép khai thác (mỏ núi Vi và làng Thảo).
Đến thời điểm hiện tại mới có 06 doanh nghiệp đã triển khai xây dựng xong nhà máy và đang hoạt động với sản lượng sản xuất nhỏ chưa đạt công suất thiết kế: Sản lượng tinh quặng sắt của các nhà máy sản xuất trong năm 2012 chỉ đạt 155.147 tấn; Số lượng tinh quặng sắt tồn kho trong năm 2012 là 57.875 tấn; 02 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng nhà máy tuyển còn lại một số doanh nghiệp đã có dự án song hiện tại chưa triển khai đầu tư xây dựng. Dự kiến sản phẩm tinh quặng sắt của các nhà máy chế biến của Yên Bái trong năm 2013 đạt khoảng 500.000 tấn, năm 2014 sẽ đạt khoảng 700.000 tấn tinh quặng sắt có hàm lượng đạt từ 54- 64%.
Thị trường tiêu thụ quặng Sắt khai thác từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái chủ yếu là ở trong nước (Không được xuất khẩu). Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngày 09/01/2012 Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và nêu rõ không xuất khẩu quặng sắt.
Tuy nhiên ngày 17/12/2012, Chính phủ ra Thông báo số 407/TB-VPCP về quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản. Trong thông báo nêu dõ, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra, xác định khối lượng tồn quặng sắt có hàm lượng ≥ 54% của các doanh nghiệp và cho phép làm thủ tục xuất khẩu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/12/2012 Bộ Công Thương đã ra văn bản số 12397/BCT-CNg yêu cầu ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra số lượng tồn kho quặng sắt; thành phần tổ công tác liên ngành do Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng với sở ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời ngày 31/01/2013 Sở Công Thương Yên Bái nhận được văn bản số 125/SCT-KT của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai về việc cung cấp thông tin làm nguyên liệu cho nhà máy luyện kim trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong công văn có nêu, đến năm 2013 trên địa bàn tỉnh sẽ có 02 nhà máy luyện gang thép do công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung làm chủ đầu tư với tổng công suất 2,22 triệu tấn phôi thép/năm; trong khi đó sản lượng khai thác và chế biến trên địa bàn tỉnh không đủ cho 2 nhà máy nêu trên; cụ thể số lượng quặng sắt và tinh quặng sắt có hàm lượng ≥60% năm 2014 là 200 nghìn tấn, năm 2015 trở đi mỗi năm thiếu 500 nghìn tấn đến 1 triệu tấn.
Từ những phân tích trên đây, nhận thấy việc hợp tác trong việc tiêu thụ quặng sắt, tinh quặng sắt cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn tỉnh Yên Bái là hết sức cần thiết. Đây là hướng đi mới cho các doanh nghiệp việc khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững.
Sở Công Thương Tỉnh Yên Bái