Năm 2010, vừa ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam tiếp tục phải chống lạm phát cao, giảm nhập siêu, giải quyết vấn đề tỉ giá... Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong năm qua?
- Suốt 5 năm qua chứ không riêng năm 2010, DN Việt Nam đã liên tục gặp nhiều tác động rất mạnh mẽ. Hai năm đầu gia nhập gia nhập WTO, Việt Nam đã phải hoạt động theo những quy định đã cam kết, đây là thử thách đầu tiên. Tiếp đến năm 2008 và 2009, kinh tế thế giới suy giảm, nền kinh tế lại bị tác động mạnh. Sang năm 2010, kinh tế Việt Nam dần ổn định, bắt đầu phát triển, nhưng cũng phải đối mặt trước những nảy sinh, những tác động mới hậu khủng hoảng kinh tế thế giới, của thiên tai, dịch bệnh…
Hầu hết các DN Việt Nam là nhỏ và vừa, ra đời sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành và tiến hành các đổi mới. Trong bối cảnh trên, các DN này đã tiếp nhận các nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường và thích nghi rất nhanh, đặc biệt là quyền quyết định, tính chủ động nên đã có những giải pháp kịp thời trước mỗi diễn biến của nền kinh tế.
Lạm phát năm qua ở mức hai con số, lãi suất ở mức cao, tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
- Bước vào năm 2011, DN phải đối mặt với khó khăn đang nổi lên, bên cạnh những thuận lợi. Khó khăn lớn nhất đối với DN trong năm nay vẫn là vốn, hạ tầng, chất lượng nguồn lực và thủ tục hành chính. Đây là những tác động thường nhật của năm 2010 và chưa thể giải quyết được trong năm 2011. Đó là chưa kể đến các nhân tố khác như thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2011 và quý I sẽ chịu tác động mạnh nhất.
Thực tế, những dự báo, dự đoán về tác động của tình hình thế giới chậm chứ không nhanh như dự báo của chúng ta và chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi những tồn tại về lạm phát, tiền tệ, thất nghiệp chưa được giải quyết. Đặc biệt, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao không chỉ tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của DN mà còn khiến thị trường co lại. Mặt khác, độ mở của nền kinh tế hiện rất cao, nếu cộng cả xuất nhập khẩu thì con số này lên gấp rưỡi GDP của Việt Nam. Vì vậy, khi tình hình xuất nhập khẩu trên thế giới biến động, sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Những khó khăn này sẽ tiếp tục chi phối Việt Nam trong năm 2011.
Theo ông, trong năm 2011, Nhà nước cần có những chính sách gì để có thể đồng hành cùng với doanh nghiệp?
- Năm 2011, theo tôi, có 3 vấn đề trọng tâm cần chú ý. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, kể cả về cách điều hành của Chính phủ. Thứ hai, Nhà nước cần tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, kể cả tái cơ cấu, sắp xếp lại DN, giúp cho DN có được những nội dung mới trong hoạt động và quản lý của DN để tăng giá trị, tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Thứ ba, cần giữ ổn định chính sách vĩ mô để giúp DN phát triển bền vững.
Thưa, ông có thể nói cụ thể hơn về nội dung ổn định?
- Theo tôi, nội dung ổn định gồm hai phần. Một là, chúng ta phải ổn định về mặt chính sách và cơ chế và các chỉ tiêu vĩ mô. Thí dụ như bội chi ngân sách, nhập siêu, hệ số ICOR…, chúng ta phải phấn đấu giảm dần tất cả những chỉ số này để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và giảm áp lực lạm phát.
Hai là, chúng ta phải tạo được lòng tin trong các chính sách, các chỉ đạo, điều hành phải hướng đến việc giải quyết được những khiếm khuyết, những tồn tại một cách công khai minh bạch, tạo sự tin tưởng cho DN và người dân. Các DN sẽ lấy đó làm căn cứ để xây dựng, triển khai kế hoạnh, chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Xin cảm ơn ông!
Hải Vân, Báo Công Thương thực hiện