Liên tiếp 3 năm tổ chức Cuộc thi thiết kết mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Hà Nội tiếp tục bền bỉ với mục tiêu phát triển bền vững cho ngành Thủ công mỹ nghệ Thành phố.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Các làng nghề thu hút hàng vạn lao động thời vụ cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn gia đình. Tuy nhiên, do vẫn phát triển chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nên các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao nên chưa khai thác hết được tiềm năng vốn có.


Thực tế, cải tiến mẫu thiết kế, công nghệ được coi là yếu tố sống còn của các làng nghề hiện nay. Ông Đỗ Văn Thức, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa tơ tằm Hà Nội nêu dẫn chứng: “Nếu mỗi mét lụa dệt bình thường, người sản xuất chỉ lãi khoảng 30.000 đồng nhưng nếu áp dụng mẫu mới, hoa văn độc đáo, tinh xảo thì có thể lãi 100.000 đồng”. Điều đó cho thấy, cải tiến mẫu mã sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nghề. Không những vậy, nó còn thể hiện "đẳng cấp" của người sản xuất. Đây cũng là một trong những tiêu chí xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân của Hà Nội. Chính vì vậy, Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) muốn khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi nghệ nhân trong các làng nghề, để cho ra đời nhiều sản phẩm có mẫu thiết kế, kiểu dáng độc đáo.


Anh Phạm Xuân Cường, chủ cơ sở sản xuất hàng TCMN Xuân Cường ở quận Hà Đông cho biết, năm 2013, khi tham gia hội thi, anh giành được giải nhì cho sản phẩm đèn bàn trang trí phòng khách bằng chất liệu kết hợp: sừng, đồng và lụa. Tuy giá trị giải thưởng không lớn nhưng đã góp phần khích lệ người sản xuất, tạo cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Anh cho biết, ngay sau khi được giải, những "phiên bản" đèn trang trí đã được gia đình đưa vào sản xuất đại trà. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, anh đang chuẩn bị những sản phẩm TCMN đặc sắc nhất để tham gia Hội chợ hàng TCMN tại Mỹ trong tháng 7/2014.


Bà Đào Thu Vịnh, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, nét mới trong cuộc thi năm nay là, ngoài các tiêu chí về tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại còn có thêm tiêu chí thân thiện với môi trường.


Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, Phó ban tổ chức cuộc thi: Năm nay, cuộc thi sẽ có quy mô lớn hơn và yêu cầu cao hơn với mục tiêu thu hút từ 300-350 sản phẩm TCMN có thiết kế mới. Tất cả các sản phẩm dự thi sẽ được trưng bày và quảng bá miễn phí tại triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển.


Trước những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, ông Thủy cho biết, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ cố gắng tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sân chơi một cách thuận lợi, các thủ tục đơn giản hóa trên cơ sở vẫn đảm bảo đúng thể lệ cuộc thi, cố gắng xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm có tác dụng kích thích sản xuất, mở rộng thị trường, đồng thời đảm bảo môi trường làng nghề.


Phạm Kim