Đây là tên Hội thảo được UBIFRANCE (Cơ quan xúc tiến xuất khẩu Pháp) và UCMTF (Liên minh các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp) tổ chức ngày 3/4/2014 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Việt Nam - Pháp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo.


Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA). Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua, đạt mức doanh thu 23 tỷ USD, tương đương với 10% GDP vào năm 2013. Sản xuất của Việt Nam, trong đó có dệt may, đang ngày càng hướng tới các trang thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao để có thể thực hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh và sản lượng so với các nước láng giềng châu Á.

Pháp là nước đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm, với các khách hàng tại hơn 115 quốc gia. Các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp là những công ty hàng đầu thế giới trong phân khúc công nghệ của họ. Họ có mặt trên thị trường với các thiết bị và công nghệ đặc biệt, dành riêng cho một số đối tượng khách hàng nhất định.

Tại đây, bảy công ty hàng đầu của Pháp giới thiệu những giải pháp tốt nhất và nhiều đổi mới về công nghệ trong ngành dệt, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường như: Dây chuyền xé, cân định lượng và trộn xơ, tái chế phế liệu ngành dệt, chế biến xơ cho vải không dệt; dây chuyền chế biến xơ tự nhiên; sản xuất các phụ kiện thay thế; dây chuyền sản xuất vải không dệt, v.v...


Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương