Khi nói đến sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, những người dân ở phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đều nói: tìm đâu xa, ở thị xã này còn sản phẩm nào tiêu biểu hơn máy bơm không ống của anh Đỗ Văn Trường.


Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương, anh Trường mở một hiệu cơ khí nhỏ để phục vụ bà con sửa chữa những loại máy móc thông thường như máy xay sát, máy làm bún và các loại máy bơm nước. Trong quá trình làm nghề, anh nhận thấy máy bơm nước có công suất càng cao thì tiêu thụ điện năng càng lớn. Trong đầu anh luôn trăn trở ý nghĩ: làm thế nào để cùng một công suất máy bơm mà lượng điện năng tiêu thụ lại ít hơn?.


Nỗi trăn trở cùng với sự say mê, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, anh Trường đã nảy ra ý tưởng cải tiến máy bơm trục đứng thành máy bơm trục xiên không ống. Sau nhiều đêm thức trắng với những bản vẽ tỉ mỉ, những phép tính chính xác, anh đã tìm ra nguyên lý, quy luật hoạt động, rồi đưa vào vận hành thử, kết quả là máy hoạt động tốt, đạt các thông số kỹ thuật, đặc biệt là lượng điện năng tiêu hao giảm 3,5 lần hoặc cùng một lượng điện năng tiêu thụ nhưng lượng nước bơm được gấp 3,5 lần so với máy bơm trục đứng.


Không dừng lại ở đó, anh vừa rút kinh nghiệm từ thực tế sử dụng để cải tiến cho ra đời những chiếc máy bơm không ống thế hệ sau ưu việt hơn thế hệ trước. Việc tiết kiệm 3-4 m ống bơm bằng thép có đường kính gần 1m (công suất 4.000 m3/h) đã giảm một lượng chi phí không nhỏ do phần ống của bơm là ống cống của hệ thống thủy nông. Hơn nữa, nếu lắp một máy bơm trục đứng có cùng công suất thì phải chi phí từ 120 - 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá 40 triệu đồng của máy bơm vô ống. Với công suất như trên, máy bơm trục đứng phải lắp mô tơ 75 kWh, còn máy bơm vô ống chỉ phải lắp 20 kWh. Nếu lấy giá điện 1.000 đồng /kWh, 1 h tiết kiệm 55 kWh = 55.000 đ đồng, một ngày tiết kiệm 1.320.000đ đồng tiền điện. Đấy là chưa kể với động cơ nhỏ như vậy thì có thể sử dụng chung với lưới điện sinh hoạt thông thường, còn nếu dùng bơm trục đứng thì phải có đường dây tải điện riêng. Đặc biệt, loại máy bơm này rất gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ thay bạc cổ bơm. Bạc cổ bơm được cắt ra từ lốp xe ô tô hỏng. Một ưu điểm khác là loại máy bơm này có thể hoạt động 2 chiều nên có thể chống úng hoặc chống hạn. Với những ưu điểm nổi trội trên, thương hiệu máy bơm không ống đã theo các đơn đặt hàng lan xa khắp trong và ngoài tỉnh.


Mất 2 năm thẩm định so sánh cấu tạo, nguyên lý hoạt động, tính năng, tác dụng của máy bơm không ống so với các loại máy bơm khác được sản xuất trong và ngoài nước, tháng 4/2006 Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam- chi nhánh Hà Nội đã cấp bằng sáng chế độc quyền có thời hạn 20 năm cho sản phẩm của anh Đỗ Văn Trường.

 
Hiện nay, anh Trường có một cơ sở sản xuất nằm ở tổ 1, phường Tân Bình với nhà xưởng có diện tích trên 100m2 đã tạo việc làm ổn định cho 5-7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4.000.000 đồng /người/tháng. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, cơ sở của anh Trường đã sản xuất và tiêu thụ được khoảng 80 chiếc. Ngoài chú ý cải tiến về mặt kỹ thuật, anh cũng đặc biệt chú trọng đến khâu chăm sóc khách hàng. Với mỗi sản phẩm bán ra trên thị trường anh đều bảo hành 2 năm, bất kể ở xa hay gần, nếu có hỏng hóc anh đều cho thợ đến tận nơi để sửa chữa.


Sản phẩm máy bơm không ống của anh Đỗ Văn Trường đã đạt giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ hai, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình và khu vực phía Bắc năm 2012. Đặc biệt, năm 2013 anh Trường là đại diện duy nhất của Ninh Bình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.


Ngọc Chính