Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu anh Trần Văn Kiều ở xã Xuân Tiến – Xuân Trường – Nam Định đã cho ra đời thành công hệ thống xử lý rác thải tổng hợp mang thương hiệu “made in Vietnam” với giá thành rẻ và hiệu quả cao.


Trong những ngày cuối thu, xuôi theo Quốc lộ 1A chúng tôi tìm về nhà anh “kỹ sư rác” trẻ Trần Văn Kiều ở xã Xuân Tiến – Xuân Trường – Nam Định. Gặp Kiều ở bãi rác nhìn bề ngoài trông anh chẳng khác gì lão nông chính gốc, quần áo lấm lem, tay dính đầy dầu mỡ đang hì hục hướng dẫn tốp thợ lắp đặt hệ thống máy xử lý rác thải. Gạt dòng mồ hôi nhễ nhại, anh kể cho chúng tôi nghe mối cơ duyên “làm bạn với rác” của mình.Sinh ra và lớn lên trên làng nghề cơ khí Xuân Tiến, ngay từ nhỏ chàng trai Trần Văn Kiều đã được tiếp xúc với tiếng đục, tiếng đe.

 

Những âm thanh quen thuộc của làng nghề đã ăn sâu vào tiềm thức, anh tự nhủ lớn lên mình sẽ làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương. Năm 2001 tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội (Khoa công nghệ thông tin), anh đảm nhận vị trí Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á. Ở đây, những ý tưởng của anh luôn được đánh giá cao, thế nhưng khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn bùng cháy trong anh. Năm 2009, anh quyết định “dứt áo” về quê nối nghiệp cha và chính thức thành lập Công ty TNHH Tân Thiên Phú. Thời gian đầu tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Tân Thiên Phú nhanh chóng chiếm lĩnh khách hàng, giành được vị thế trên thị trường.

 

Chia sẻ về quyết định khó khăn khi doanh nghiệp đang phất lên nhờ sản xuất các loại máy móc phục vụ trong chăn nuôi, nhưng anh lại chuyển hướng sang nghiên cứu sản xuất máy xử lý rác thải, anh Kiều cho hay: “Năm 2009 kinh tế ổn định ngành chăn nuôi phát triển, các loại máy phục vụ trong ngành chăn nuôi như máy nghiền, máy ép viên, máy ấp trứng… được thị trường rất ưa chuộng, sản phẩm Công ty sản xuất ra đến đâu hết đến đó.

 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển quy mô công nghiệp của làng nghề thì rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, gây ô nhiễm trầm trọng. Trăn trở bao đêm, anh quyết định phải tìm hiểu và sáng chế bằng được máy xử lý rác thải để dẹp nạn rác…”.Nghĩ là làm, sau nhiều tháng ngày miệt mài, năm 2012 sản phẩm hệ thống xử lý rác thải tổng hợp của Anh đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) kiểm định, đánh giá cao và được cấp phép sử dụng.Nét cười tươi trên khuôn mặt vạm vỡ, anh Kiều cho biết, để hoàn thành hệ thống xử lý rác thải mang công nghệ “made in Việt Nam” anh đã tốn không ít “mồ hôi công sức”. Có những đêm cả nhóm phải thức đêm nghiên cứu các chi tiết kỹ thuật. Cũng không ít lần anh cùng đội kỹ thuật lại lặn lội đi thăm quan mô hình xử lý rác thải dọc Nam Bắc để học hỏi.Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ tổng hợp của Anh không những tiêu thụ điện năng ít, tận dụng được ưu điểm của các công nghệ xử lý rác tiên tiến trên thế giới mà còn có giá thành thấp (khoảng 300 triệu đồng/máy), chi phí vận hành rẻ (khoảng 15.000 đồng/tấn rác).

 

Ngoài ra, điểm vượt trội của dây chuyền xử lý rác thải tổng hợp này là có thể xử lý được tất cả các loại rác thải sinh hoạt bao gồm: kim loại, sành sứ, thủy tinh, gạch gói vỡ, đất đá, xương động vật, cũng như các loại chất thải mềm… Công suất của hệ thống xử lý rác thải tổng hợp này là 100 tấn/ngày. “Sau khi đăng ký bảo hộ thành công đề tài khoa học, đã có 4 địa phương là Xuân Kiên, Xuân Tiến (tỉnh Nam Định), tỉnh Thái Bình và tỉnh Đồng Nai ký kết sử dụng hệ thống xử lý rác thải của Công ty.

 

Các hệ thống máy này sau khi lắp đặt đưa vào sử dụng đều cho kết quả tốt”, anh Kiều cho biết.Hiện anh đang hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác tổng hợp trên 10.000 m2 tại xã Xuân Tiến, với số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Đây là dự án được xây dựng miễn phí cho xã, dự kiến nhà máy vận hành vào cuối năm 2013.

Phạm Kim