Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang tại Quyết định số 734/2014/QĐ-UBND, thay thế Quyết định số 67/2011/QĐ-UBND ngày 03/3/2011. Quy định gồm có 3 chương, 11 điều quy định ngành nghề được hỗ trợ, nội dung và mức chi; quy trình hỗ trợ; điều chỉnh, bổ sung, ngừng thực hiện đề án khuyến công; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.

Để thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công tỉnh, Quy định đã bổ sung một số nội dung, như: Đối tượng được hỗ trợ kinh phí khuyến công tỉnh đã được mở rộng tới tất cả các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh;


Ngành nghề được hỗ trợ kinh phí khuyến công bao gồm 7 ngành nghề, trong đó bổ sung thêm: Ngành khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH); xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hỗ trợ sản xuất theo công nghệ mới, sản xuất vật liệu xây dựng không nung.


Nội dung chi hoạt động khuyến công bao gồm 9 nội dung, trong đó bổ sung thêm chi hỗ trợ: Xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng SXSH; xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, CCN; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN, cơ sở CNNT; hợp tác quốc tế về khuyến công.


Mức chi cho các hoạt động khuyến công của tỉnh phần lớn đều tăng so với trước và được quy định chi tiết, đưa ra phương pháp tính định lượng cụ thể dễ dàng trong tổ chức thực hiện. Cụ thể: Nâng mức hỗ trợ tối đa từ 5 lên 10 triệu đồng/doanh nghiệp cho nội dung hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT tại địa bàn các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đối với các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật có mức đầu tư từ 1.000 triệu đồng trở lên được hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng/mô hình; các đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp có mức đầu tư từ 100 triệu đồng trở lên được hỗ trợ từ 50 đến 150 triệu đồng/cơ sở, căn cứ theo chi phí mua sắm, chuyển giao; nâng mức hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT tối đa từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/cơ sở; đặc biệt mức hỗ trợ tối đa cho việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở CNNT lên đến 200 triệu đồng/cơ sở, tại các CCN, làng nghề tiểu thủ công nghiệp lên đến 1.500 triệu đồng/CCN, làng nghề...


Quy trình hỗ trợ kinh phí khuyến công tỉnh được quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.


Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương, có chức năng triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang tham mưu với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang mới như sau: Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Quy định đến các cơ quan đơn vị có liên quan, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, website của Sở Công Thương, Bản tin Khuyến công của Trung tâm...; Tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn quy trình, hồ sơ hỗ trợ kinh phí khuyến công tỉnh theo quy định;  Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình khuyến công tỉnh từng giai đoạn và kế hoạch khuyến công tỉnh hàng năm đảm bảo đúng đối tượng, ngành nghề, nội dung, mức hỗ trợ theo Quy định; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Quy định, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


 

TTKC tỉnh Bắc Giang