Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của công tác khuyến công trong suốt những năm qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày một khởi sắc, góp sức quan trọng vào phát triển công nghiệp nông thôn và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động khu vực nông thôn của Tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 153 làng nghề, thu hút hơn 20.000 lao động. Đa số các làng nghề hiện đang hoạt động với hiệu quả kinh tế tốt. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt 160 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 30,6 triệu đồng/người/năm. Các làng nghề có đầu ra ổn định, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Sự khởi sắc của khu vực làng nghề được nhận định có những đóng góp tích cực từ chương trình khuyến công. Hơn 10 năm qua, hoạt động khuyến công đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn đầu tư nguồn vốn đến hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các nội dung nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá, sản phẩm làng nghề của Nghệ An đã phần nào được định vị trên thị trường, mang lại hiệu quả thiết thực về doanh thu, lợi nhuận.

Đơn cử, tại huyện Diễn Châu có gần 100 hộ  sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Sau  khi được đăng ký nhãn hiệu tập thể, các hộ sản xuất đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, từ đó sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng hơn. Doanh thu năm 2017 của các hộ đã đạt 230 tỷ đồng, cao hơn từ 15-20% so với những năm trước.

Tương tự, sau khi được hỗ trợ chuyển giao thương hiệu tập thể nước mắm Vạn Phần, các hộ sản xuất nước mắm tại 3 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và Diễn Vạn đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, sản lượng tiêu thụ cũng tăng 200 nghìn lít/năm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An cũng đã phối hợp với đơn vị chức năng tại các địa phương trong Tỉnh tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm nguồn lao động chất lượng tốt, có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như vậy có thể thấy, sự đồng hành của chương trình khuyến công đã giúp các làng nghề, thương hiệu làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày một phát triển và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, do phần lớn cơ sở có quy mô nhỏ, đầu tư cho sản xuất hạn chế vì vậy, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp. Cùng đó, việc nắm bắt, tận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chưa được quan tâm cơ sở CNNT.

Để khắc phục những hạn chế trên, góp sức thúc đẩy các làng nghề phát triển mạnh hơn nữa, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực khuyến công; tích cực vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tham gia chương trình. Nâng cao chất lượng đối tượng thụ hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án, bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.

Ưu tiên dành nguồn lực triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, nhằm giúp các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh giúp giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề.

TBT