Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 định hướng: Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với tốc độ cao, đặc biệt là tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, dệt may là một trong các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo của tỉnh Hà Nam để khai thác các nguồn lực và lợi thế của địa phương như nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng thuận tiện, …

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam ưu tiên phát triển các ngành, các lĩnh vực thu hút được nhiều lao động, trong đó có ngành dệt may, năm 2018 Sở Công Thương Hà Nam đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng may mặc cho công ty TNHH Tứ Hải Hà Nam và công ty TNHH may Hoàng Tuyên tại thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam. Trong đó, công ty TNHH Tứ Hải Hà Nam là đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu như áo jacket lông vũ và bông trần với nhiều kiểu dáng và mẫu mã đa dạng phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, EU…; Công ty TNHH may Hoàng Tuyên với kinh nghiệm 13 năm trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc các loại, đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.

Theo Bà Nguyễn Thị Mai Hương Giám đốc công ty TNHH Tứ Hải Hà Nam, với sự hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018, Công ty đầu tư mua 01 máy may lập trình tự động model XH-HK-D-V01. Việc đầu tư máy may lập trình tự động sẽ giúp cho quy trình sản xuất của Công ty được chuẩn hóa, tránh được những sai sót trong sản xuất sản phẩm so với khi làm bằng tay, qua đó nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định sản phẩm, mang lại hiệu quả tối ưu.

Cũng được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018, Công ty TNHH may Hoàng Tuyên thực hiện đầu tư 42 máy may công nghiệp HIKARI model: H8800E-7C-5AK, bổ sung vào xưởng sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn.

Theo đánh giá của các đơn vị được thụ hưởng, việc triển khai các đề án khuyến công quốc gia tại đơn vị đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa bàn và các địa phương lân cận; đồng thời việc hỗ trợ đơn vị đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất không những giúp cho cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả cao, thiết thực mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện đề án sẽ đem lại hiệu quả cao về kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường; thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam.


Lê Thủy