Sau gần 2 năm triển khai công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB), hầu hết các địa phương tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch với hiệu quả cao. Tuy nhiên, để công tác này thực sự đạt hiệu quả như mong muốn thì vẫn còn nhiều khó khăn.


Thành công bước đầu

Tại hội chợ Công nghiệp- Thương mại khu vực miền Trung- Tây Nguyên tổ chức ở Phú Yên, những vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất được giành cho những SPCNNTTB. 50/103 sản phẩm của 10/15 tỉnh, thành phố của khu vực Miền Trung- Tây Nguyên đã được tôn vinh với những mẫu mã đa dạng, phong phú và có chất lượng. Nếu như các tỉnh miền duyên hải nổi trội với những thực phẩm đặc sản như mực, cá, nước mắm và quà lưu niệm mây tre lá, sản phẩm cơ khí như máy gieo hạt, máy dệt chiếu, máy cày, máy gặt lúa cải tiến… thì các tỉnh Tây Nguyên Trung bộ lại duyên dáng khoe những sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tranh hoa tươi, hoa khô, cà phê, trà, rượu,v.v... Tất cả các sản phẩm đều thể hiện sự sáng tạo, mang tính thẩm mỹ cao, có giá trị sử dụng, giá trị thực tế, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Những người thợ tài hoa đã phát huy được bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc qua từng sản phẩm.

 

Không riêng khu vực miền Trung, hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam tổ chức tại Kiên Giang đã thu hút gần 400 gian hàng trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm của ngành công thương các tỉnh thành phía Nam, như máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, điện, điện tử, viễn thông, tin học, hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, vật liệu trang trí nội thất, đồ gỗ, đồ gia dụng, thực phẩm, các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy hải sản, phát triển nông lâm nghiệp... 71/121 sản phẩm của 14/20 tỉnh tham gia đã được bình chọn. Một DN có sản phẩm được bình chọn phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi chưa bao giờ dám nghĩ những sản phẩm của mình lại được nhiều người quan tâm đến thế. Không chỉ vui mừng vì được tôn vinh, những sản phẩm của chúng tôi đã bán rất tốt và nhận được nhiều lời khen của người tiêu dùng tại hội chợ. Đây là điều kiện rất tốt để chúng tôi có điều kiện quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường”.

 

Khu vực phía Bắc cũng tôn vinh 76/128 sản phẩm của 12/28 tỉnh tham gia. Đi đầu trong hoạt động này phải kể tới TP. Hà Nội, năm 2011 tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã có 53 trên tổng số 103 sản phẩm tham gia bình chọn từ 41 DN, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn được trao Giấy chứng nhận “Sản phẩm CNNTTB Thành phố Hà Nội năm 2011”. Trong cuộc bình chọn cấp khu vực năm nay, Hà Nội cũng có 13 sản phẩm đạt giải, chỉ sau Thái Bình (14 sản phẩm). Nhiều tỉnh cũng đã tiến hành bình chọn SPCNNTTB cấp xã, huyện như: Bình Dương, Hải Dương, Bình Thuận, Bình Định, Thừa Thiên Huế…

 

Thách thức còn nhiều

 

Vấn đề đặt ra là, vinh danh SPCNNTTB là chương trình quốc gia khá bài bản nhưng chỉ có 36/63 tỉnh thành tham gia, trong khi vẫn còn nhiều sơ cở sản xuất CNNT ở các địa phương có sản phẩm chất lượng tốt, giá trị cao nhưng vẫn chưa tham gia bình chọn. Bên cạnh nguyên nhân khó khăn về kinh tế, khâu tuyên truyền còn hạn chế thì phải kể đến vai trò của lãnh đạo các địa phương cũng chưa thật nhiệt tình. Bên cạnh đó, công nhân ở nông thôn chủ yếu là người lao động thời vụ, tận dụng thời gian nông nhàn để tăng thu nhập nên chưa qua đào tạo căn bản, tay nghề còn nhiều hạn chế.

 

Ông Bản cho rằng, để khắc phục, các Trung tâm khuyến công cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngày càng nhiều cơ sở tham gia chương trình bình chọn. Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ, động viên các cơ sở tiếp tục ổn định và mở rộng sản xuất, góp phần tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Tuy nhiên, để làm được điều này thì đòi hỏi hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp, các ngành trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Các DN, cơ sở sản xuất cũng cần đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã, tiếp cận với cách quản lý tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng của sản phẩm. Muốn thế, việc đào tạo lao động có tay nghề, có tác phong công nghiệp là rất cần thiết. Các bộ, ngành liên quan cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới; tạo điều kiện cho các cơ sở đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại để mở rộng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ.

 

Cần nắm bắt cơ hội

 

Theo Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, SPCNNTTB là những sản phẩm tinh túy, có giá trị cao về chất lượng và thẩm mỹ, in đậm giá trị văn hóa cũng như đặc trưng vùng miền mà các nhà nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tìm kiếm. Đây cũng là nguồn cung đáng kể cho ngành xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồng thời sẽ góp phần đáng kể nâng cao thu nhập của người lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm này chưa xứng với tiềm năng.

 

Ông Phan Văn Bản- Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương khẳng định, các cuộc bình chọn đã khẳng định vị trí giá trị của các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Sau khi được công nhận SPCNNTTB, các sản phẩm của các cơ sở sản xuất sẽ được ngành Công Thương, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến Thương mại các tỉnh tạo điều kiện về kinh phí, đào tạo lao động, cải tiến kỹ thuật sản xuất và tạo điều kiện quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là động lực rất lớn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tích cực hơn trong việc thiết kế, chế tạo những mẫu mã mới. Đồng thời, là cơ hội giới thiệu các thành tựu phát triển, mặt hàng truyền thống, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nghiên cứu mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý, ký kết các hợp đồng kinh tế, liên doanh liên kết, trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

 

Khánh Chi