Mô hình trình diễn kỹ thuật là hình mẫu tối ưu cho một giải pháp sản xuất, ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; có tính đại diện cho vùng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường. Thông qua mô hình có thể xây dựng năng lực, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác.

Hoạt động khuyến công, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bao gồm các nội dung: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới hoặc sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng. Quy định tại  Thông tư số 20/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công: Công nghệ mới được lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn phải nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường so với công nghệ các cơ sở CNNT trên địa bàn đang áp dụng.

Theo đánh giá, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là một trong những hoạt động khuyến công được thực hiện khá hiệu quả thời gian qua. Nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ sau khi thực hiện đã đem lại những hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Điển hình như mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tủ bảng điện ở Đà Nẵng. Công ty TNHH sản xuất thương mại xây dựng Điện Bích Hạnh ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, với hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017, Công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để hoàn thiện các thiết bị, máy móc sản xuất tủ bảng điện theo công nghệ châu Á, giúp giảm chi phí đầu vào do sử dụng 100% vật liệu trong nước. Ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Điện Bích Hạnh chia sẻ: Được chương trình khuyến công hỗ trợ, sản xuất của Công ty tiếp tục phát triển, giải quyết thêm việc làm cho người lao động. Đến nay, Công ty đã mở rộng nhà máy sản xuất không chỉ trong nước mà còn tại nước bạn Lào, Campuchia, Malaysia...

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì carton cao cấp ở Bắc Ninh, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017 hỗ trợ 500 triệu đồng cùng với nguồn vốn đầu tư của cơ sở CNNT hơn 240 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, công suất 9.600 tấn sản phẩm/năm bao bì carton cao cấp phục vụ cho ngành hàng điện tử, thực phẩm, dược phẩm và đồ gia dụng với chất lượng cao và ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5,5 - 7 triệu đồng/ người/ tháng.

Mô hình trình diễn công nghệ chiên chân không sản xuất sản phẩm chế biến từ cá, thủy sản thực hiện năm 2017 ở Tiền Giang. Với sự hỗ trợ  300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy chiên chân không, công suất 250 kg sản phẩm/ngày; đã góp phần giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến chè Hoàng Long ở Hà Giang, đã hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư thiết bị sản xuất với công nghệ mới, công suất khoảng 220 tấn chè khô/năm, tạo ra sản phẩm chè mới với ưu điểm vượt trội như: Cánh xoăn đều, tỷ lệ gãy vụn ít, mầu nước xanh đậm, hàm lượng nước thấp, thời gian bảo quản lâu hơn. Hơn nữa, việc xây dựng mô hình đã phát huy tối đa lợi thế vùng nguyên liệu chè tại địa phương; các công đoạn của dây chuyền sản xuất được cơ khí hóa, hạn chế lao động thủ công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ…

Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị, cơ sở CNNT khó khăn nhất hiện nay trong việc xây dựng mô hình trình diễn là kinh phí hỗ trợ còn quá ít, trong khi tổng mức đầu tư của mô hình có khi lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT: “Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình.

Mức hỗ trợ đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân khác học tập; bao gồm các chi phí: Hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ; hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình”.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở CNNT của nước ta có tiềm lực tài chính khá thấp. Thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công đã giúp không ít doanh nghiệp và các cơ sở CNNT đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, quy mô sản xuất, doanh thu từ đó cũng tăng lên đáng kể. Để nguồn kinh phí khuyến công tiếp tục phát huy tác dụng, bên cạnh công tác tuyên truyền đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn, cần nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích cơ sở CNNT tích cực nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh khuyến khích cơ sở CNNT phát triển theo chiều sâu như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường để nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, …


TBT