Thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện hiệu quả các quy định về khuyến công nhằm phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 của Bộ Công Thương, tại Văn bản số 5044/QĐ-BCT ngày 30/12/2016, Cục CTĐP được giao chủ trì xây dựng 2 thông tư: (1) Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; (2) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/2/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Ngày 29/9/2017, Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.


Về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia, Cục CTĐP đã hoàn thành dự thảo trình Bộ Công Thương và đăng tải dự thảo Thông tư tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương vào ngày 23/5/2017 để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Kế hoạch dự kiến ban hành Thông tư vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư, một số điều khoản về tạm ứng, thanh lý hợp đồng, quyết toán kinh phí và chứng từ chi đối với một số nội dung hoạt động khuyến công có liên quan chặt chẽ đến Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương (Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC) do Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo. Để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ giữa hai Thông tư trên, Cục CTĐP đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương cho lùi tiến độ ban hành Thông tư chậm nhất sau 02 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC; đồng thời xin rút khỏi Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2017 và chuyển sang kế hoạch ban hành năm 2018.

Hiện nay, Cục CTĐP đã xây dựng, ban hành và đang triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 với mục đích chọn lựa và phối hợp với một số địa phương xác định các đề án/nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo điểm nhấn và bước đột phá mới. Nội dung thực hiện các đề án khuyến công quốc gia điểm bao gồm: (1) Tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; (2) Hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp; (3) Bám sát hệ thống pháp luật về quy hoạch; quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và địa phương. Các địa phương phối hợp trong ban hành và thực hiện chính sách ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh; (4) Hỗ trợ phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên cơ sở phân bố công nghiệp hợp lý tại các địa phương, tạo mặt bằng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), hình thành các CCN hỗ trợ theo cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt các doanh nghiệp khác tại địa phương và các địa phương lân cận; (5) Hỗ trợ các cơ sở CNNT xúc tiến thương mại.


Bộ Công Thương luôn ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm bố trí nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ các cơ sở CNNT trong các làng nghề nói riêng và ở khu vực nông thôn nói chung nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có các chương trình khác như xúc tiến thương mại, thương hiệu quốc gia, thương mại điện tử và công nghệ thông tin... nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở CNNT, các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...


Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những nội dung quan trọng của chương trình khuyến công. Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Kết quả bình chọn làm cơ sở để các cơ quan nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT.


Giai đoạn 2018 - 2020 Cục CTĐP tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định về khuyến công, đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về khuyến công, nhằm phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, Cục sẽ hoàn thiện dự thảo, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình khuyến công quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.


Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện hoạt động khuyến công. Triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 được phê duyệt. Trên cơ sở thực hiện, tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả 3 năm thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm.


Tăng cường hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động tại địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch…, có ưu tiên hỗ trợ hơn đối với khu vực kinh tế tập thể tại các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo... theo chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.


Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, hỗ trợ phát triển làng nghề ở các cấp. Đẩy mạnh công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và các chương trình khác như khuyến công, xúc tiến thương mại, thương hiệu quốc gia, thương mại điện tử và công nghệ thông tin... nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở CNNT, các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp... Tích cực đào tạo truyền nghề và nhân cấy nghề, giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động nông thôn, phát triển ngành nghề theo hướng mỗi xã có ít nhất một sản phẩm, tăng giá trị sản xuất các ngành nghề và tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.


Đồng thời, đẩy mạnh công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả và thiết thực đối với các cơ sở CNNT và doanh nghiệp có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu.


Arit (moit)