Hoạt động thiết thực xuất phát từ một chủ trương lớn
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Theo đó, hoạt động khuyến công nhằm hướng đến mục tiêu: Huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017
Phát huy lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia về nguyên vật liệu, lao động, kỹ năng, kinh nghiệm kết hợp với tư duy sáng tạo cùng với việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, các sản phẩm CNNT tiêu biểu được sản xuất từ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước đã và đang tiếp tục đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nên những sản phẩm CNNT mang Thương hiệu Việt. Theo đó, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; được coi là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là hoạt động nhằm mục đích phát hiện và tôn vinh các sản phẩn CNNT có chất lượng, giá trị cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, các cơ quan nhà nước có chính sách, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017
Kết quả ấn tượng
Sau nhiều năm (2012- 2022) triển khai thực hiện, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được các cấp, các ngành, các địa phương đón nhận, triển khai thực hiện đạt hiệu quả; nhận thức của các cấp, các ngành, của cơ sở CNNT, doanh nghiệp về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trong hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao; góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn.
- Ở các địa phương, công tác tổ chức bình chọn luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành. Hiện, hầu hết Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Chương trình khuyến công giai đoạn trong đó có nội dung về công tác bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành Kế hoạch, Quy chế trước mỗi kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của địa phương. Tính đến năm 2022, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp ở địa phương đã được hầu hết các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức thực hiện. Thu hút được hơn 6.000 cơ sở CNNT đăng ký tham gia, trong đó, 4.203 cơ sở đăng ký tham gia cấp huyện; 6.702 cơ sở đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh, thành phố. Đã tổ chức bình chọn và công nhận 2.934 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 5.486 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, các địa phương đã lựa chọn 3.326 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực. Đến nay, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã khuyến khích các cơ sở CNNT tận dụng tối đa thế mạnh các ngành nghề truyền thống, nguồn nguyên liệu, lao động kết hợp với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại để sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
- Bộ Công Thương: Giai đoạn 2012 - 2022, Bộ đã tổ chức 06 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Theo đó, đã có 1.632 sản phẩm được công nhận, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Qua các kỳ tổ chức bình chọn sản phẩm cho thấy chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã thu hút, khuyến khích, động viên được các cơ sở sản xuất CNNT tích cực hưởng ứng tham gia, khuyến khích các sở sở CNNT không ngừng phát triển sản phẩm, giữ vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; không ngừng mở rộng, phát triển quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương thăm gian hàng tại Hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT cấp quốc gia
Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu:
Các địa phương: Từ kết quả bình chọn sản phẩm CNNT cấp, cơ sở CNNT tại các địa phương được hưởng quyền lợi như: được thưởng bằng tiền mặt, in hoặc dán nhãn Logo của chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm công nhận; được cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương và Nhà nước; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí khuyến công quốc gia để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác.
Bộ Công Thương: Cùng với kết quả từ công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia là các hoạt động tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu được tổ chức trang trọng, ý nghĩa; hỗ trợ khu trưng bày, gian hàng giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tại triển lãm hội chợ hàng CNNT tiêu biểu tổ chức tại Hà Nội và các địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử (website) để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu được giới thiệu về sản xuất, chất lượng sản phẩm trên kênh Truyền hình VTV. Ngoài hỗ trợ tham gia giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm hội chợ cấp quốc gia nói trên, Bộ Công Thương còn tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận tiêu biểu từ cấp tỉnh trở lên tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia nhằm mục tiêu triển khai đồng bộ giải pháp, hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu ra thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức các Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tại các tỉnh, thành phố với các đơn vị phân phối, bán hàng lớn trên cả nước để xúc tiến, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các Hội nghị kết nối cung cầu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu, đưa sản phẩm vào chuỗi phân phối. Hiện, đã có rất nhiều sản phẩm trong tổng số gần 2000 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia được các nhà phân phối lớn như: Bigc, Hapro, Vinmart, Lotte Mart đưa vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Yếu tố góp phần tạo nên “Mảnh ghép sáng màu trong bức tranh tổng thể về hoạt động khuyến công”
Nhận thức được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phát hành các văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện và lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh theo quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và triển khai thực hiện kế hoạch bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, thành phố theo quy định; lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, đáp ứng đủ điều kiện đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp quốc gia.
Qua các kỳ bình chọn, việc thành lập Hội đồng, Ban Giám khảo các cấp có nhiều đổi mới, thành viên tham gia đại diện từ các cơ quan Bộ, ban ngành trung ương và địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về các nhóm, lĩnh vực sản phẩm đăng ký bình chọn. Qua đó, việc đánh giá bình chọn sản phẩm được xem xét trên nhiều góc độ, đảm bảo công bằng, khách quan, thực hiện theo các tiêu chí quy định. Công tác bình chọn sản phẩm các cấp được thực hiện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, nhằm lựa chọn được các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BCT và Thông tư số 14/2018/TT-BCT. Ngoài việc thực hiện chấm điểm bình chọn trên hồ sơ đăng ký, Hội đồng, Ban Giám khảo bình chọn đã tổ chức các Đoàn công tác đi đánh giá thực tế sản xuất tại cơ sở CNNT; qua đó, trực tiếp quan sát quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm, vệ sinh môi trường; xem xét, đối chiếu các thông tin tại hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn với thông tin thực tế tại cơ sở, như: Giấy phép sản xuất, công bố hợp chuẩn, hợp quy; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; các thông tin thực tế về số lượng sản xuất, doanh thu, số lượng lao động thường xuyên, thu nhập bình quân người lao động, việc sử dụng nguyên liệu trong sản xuất, các biện pháp bảo vệ môi trường và các thông tin khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm đáp ứng yêu cầu: tổng hợp, thống kê, phân loại chấm điểm bình chọn và lưu trữ dữ liệu về sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hệ thống phần mềm về sản phẩm CNNT tiêu biểu là một điểm sáng trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các năm gần đây. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng phần mềm đã nâng cao hiệu quả của công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến nay, Hệ thống phần mềm Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Cục CTĐP phát triển đã được hoàn thiện, sử dụng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu: tổng hợp, phân loại, sắp xếp, tổng hợp, lưu trữ hồ sơ và chấm điểm bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của các địa phương và Bộ Công Thương. Theo đó, đã tạo điều kiện tốt để công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (các cấp) tăng cường hiệu quả, đảm bảo tính chính xác trong công tác chấm điểm bình chọn sản phẩm; giúp cho việc tổng hợp kết quả, truy xuất thông tin về sản phẩm CNNT tiêu biểu của các cấp được chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn; tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính liên thông của hồ sơ trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Điển hình trong công tác bình chọn ở địa phương
Là một trong số các địa phương được đánh giá cao về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Lâm Đồng đã ghi dấu ấn đáng kể trong suốt 10 năm tổ chức bình chọn: Có 285 sản phẩm được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện; 82 sản phẩm cấp tỉnh. Địa phương cũng lựa chọn được 61 sản phẩm của 56 cơ sở có nhiều triển vọng phát triển tham dự cấp khu vực và cấp quốc gia và có 21 sản phẩm đạt cấp khu vực; 13 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Tương tự với tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết quả đạt được sau nhiều năm tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu không được nhấn mạnh ở các con số mà được minh chứng qua chất lượng và sự lan toả mạnh mẽ của sản phẩm. Theo đó, sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư về mẫu mã, công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu; xuất hiện nhiều sản phẩm mới; nhiều sản phẩm thể hiện khá rõ về tính hàng hóa, thị trường, khả năng ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến, khả năng sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên vật liệu của địa phương, trong đó một số sản phẩm đã đảm bảo thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một số sản phẩm cũng mang tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa Huế như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản.
Linh hoạt triển khai công tác bình chọn phù hợp với bối cảnh mới
Có thể nói, sau 10 năm triển khai công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã chứng minh được tính cần thiết và trở thành động lực cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở CNNT nỗ lực hoàn thiện sản phẩm để tham gia và được chứng minh được uy tín khi tham gia thị trường. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, công tác bình chọn đã được Cục CTĐP đưa ra những định hướng cụ thể trong giai đoạn 2022-2025.
Thời gian tới, công tác bình chọn sẽ phải được đổi mới, cải cách phương thức tổ chức hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng liên thông thuận lợi giữa các cấp, gắn với cải cách, đơn giản thủ tục đăng ký tham gia; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số phục vụ công tác bình chọn và quản lý sản phẩm để nâng cao hiệu quả công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, qua đó thu hút nhiều hơn các cơ sở CNNT đăng ký tham gia.
Giai đoạn năm 2022-2025, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện 2 kỳ bình chọn cấp khu vực, dự kiến bình chọn, công nhận được 1.300 sản phẩm cấp khu vực; tổ chức 2 kỳ bình chọn cấp quốc gia, dự kiến bình chọn, công nhận được 700 sản phẩm cấp quốc gia.
Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, ưu tiên phân bổ kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương để xây dựng, thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; ưu tiên hỗ trợ các đề án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhãn mác, bao bì phù hợp với thị trường mục tiêu, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Để những định hướng trên được triển khai có hiệu quả, Cục CTĐP sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại; thực hiện lồng ghép các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia theo các chương trình, đề án: khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu bằng hình thức ưu tiên hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT để phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; nghiên cứu, xây dựng các gói hỗ trợ bao gồm các nội dung hỗ trợ cụ thể gắn với nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của từng cơ sở trong việc phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết đối với công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của địa phương để qua đó có những giải pháp giúp đỡ kịp thời./.
TQL-TTCN-CTĐP