
Theo đó, mục tiêu cơ bản của việc bình chọn sản phẩm là nhằm tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại. Đối tượng bình chọn là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư sản xuất tại khu vực nông thôn. Và các sản phẩm sẽ được đánh giá qua 4 tiêu chí cơ bản là: doanh thu, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường; chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật-xã hội; tính văn hóa, thẩm mỹ và các tiêu chí liên quan đến chất lượng sản phẩm …
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai công tác bình chọn đã được các địa phương tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch. Đi đầu trong hoạt động này phải kể tới TP. Hà Nội, năm 2011 tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã có 53 trên tổng số 103 sản phẩm tham gia bình chọn từ 41 DN, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn được trao Giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Thành phố Hà Nội năm 2011”. Tiếp đến là một số tỉnh cũng đã tiến hành bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp xã, huyện như: Bình Dương, Hải Dương, Bình Thuận, Bình Định, Thừa Thiên Huế…
Đáng lưu ý, vào tháng 6/2012 tại tỉnh Phú Yên Cục công nghiệp địa phương (Cục CNĐP) sẽ phối hợp với Sở Công thương tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2012. Theo nhận định của Cục CNĐP, cuộc bình chọn này sẽ mở đầu cho hoạt động bình chọn cấp khu vực được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần tại 3 khu vực trên cả nước là: khu vực phía Bắc bao gồm 28 tỉnh, thành phố, khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 15 tỉnh, thành phố và khu vực phía Nam bao gồm 20 tỉnh, thành phố.
Cục CNĐP cũng cho biết, sau khi được công nhận, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn kinh phí khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực... Ngoài ra, đối với các sản phẩm được công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp xã, huyện, tỉnh sẽ được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin của ngành Công Thương như: ấn phẩm khuyến công, trang Website của Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh; đối với các sản phẩm đoạt giải cấp khu vực và quốc gia sẽ được đăng tải thông tin trên Website của Cục CNĐP và của Bộ Công Thương.
Có thể nói, hoạt động bình chọn sản phẩm biêu tiểu sẽ không chỉ tôn vinh mà còn tạo đà vững chắc cho sản phẩm công nghiệp nông thôn và cả ngành công nghiệp nông thôn phát triển. Bởi, theo lý giải của Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, sản phẩm công nghiệp nông thôn là những sản phẩm tinh túy, có giá trị cao cả về chất lượng và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, những sản phẩm này chắc chắn sẽ rất đa dạng và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa cũng như đặc trưng vùng miền…đó là những điều mà các nhà nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tìm kiếm. Hơn thế nữa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng rất cao và vòng đời rất ngắn do đó phát huy và phát triển được các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ là nguồn cung đáng kể cho ngành xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồng thời sẽ góp phần đáng kể nâng cao thu nhập của người lao động khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì phải đòi hỏi hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đồng thời các DN, CSSX CNNT đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo mẫu mã, tiếp cận với cách quản lý tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng của sản phẩm CNNTTB.
Phạm Kim