Theo Báo cáo của Sở Công Thương Bình Định, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên hầu hết các quốc gia đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, dẫn tới việc xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các thị trường: Mỹ, châu Âu… Một số khách hàng truyền thống lớn như Metro, A.R.E.N.A, Carrefour… chỉ giữ ổn định đơn đặt hàng, giá bán sản phẩm không tăng hoặc tăng rất thấp, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng cao (tăng từ 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước).
Việc ký kết và thực hiện các đơn hàng ngày càng giảm sút; phần lớn các doanh nghiệp đều khó khăn về vốn vay, tồn kho nguyên liệu tăng cao và ứ đọng vốn luân chuyển… Bên cạnh đó các nước nhập khẩu đã áp dụng những chính sách buộc doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn mới, nhất là các quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu khi xuất khẩu, nên các DN gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm nguồn gỗ nguyên liệu có chứng chỉ phát triển rừng bền vững và các giấy tờ chứng minh chuỗi hành trình sản phẩm.
Ngoài ra, năm 2012 với việc đưa thêm vào hoạt động 7 nhà máy chế biến dăm gỗ, đã làm mất cân đối giữa năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, đẩy giá thu mua lên cao, trong khi giá xuất khẩu hạ, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sản xuất lỗ nên hạn chế hoặc tạm ngừng sản xuất.Đi tìm lời giảiVấn đề đặt ra cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định hiện nay là cần có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu để vực dậy và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị chuyên đề “Tìm giải pháp nâng cao chất lượng doanh nghiệp hội viên năm 2013” do do Hiệp hội Gỗ Lâm sản (FPA) Bình Định tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp khả thi.Theo ông Lê Vỹ - Phó Chủ tịch FPA Bình Định, muốn phát triển thị trường theo hướng bền vững, hiệu quả, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, phải hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ thị trường để định hướng phát triển “đầu ra” phù hợp với khả năng, thực lực của mình. doanh nghiệp đã có thị trường, có khách hàng thì phải quyết tâm giữ vững bằng nỗ lực chính đáng của mình (chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, giá cả hợp lý). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành giật khách hàng bằng kiểu phá giá… Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên kết, xây dựng mô hình “Nhóm doanh nghiệp hỗ trợ trong sản xuất, gia công” có sự phân công chuyên môn hóa về chủng loại sản phẩm, chi tiết sản phẩm... Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, những DN lớn, có tiềm năng, cần quan tâm hỗ trợ, chia sẻ đối với các doanh nghiệp bạn, nhất là chia sẻ về đơn hàng, kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ vốn kinh doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nhỏ hơn… Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt cho rằng: Để nâng cao chất lượng, mỗi doanh nghiệp CBGXK cần quan tâm đến 3 yếu tố: Tìm giải pháp nâng cao tính cạnh tranh; xây dựng kênh thông tin mở; hình thành sự phân công thị phần. Trong đó, tính cạnh tranh có “ý nghĩa sống còn” của doanh nghiệp. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, các DN cần tiếp tục đẩy mạnh SX, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, giữ vững, mở rộng thị trường truyền thống, tập trung thị trường trọng điểm, khai thác các thị trường mới, chú trọng thị trường nội địa, đồng thời các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các quy định của Luật Lacey đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Quy chế tăng cường lâm luật, quản lý và thương mại lâm sản (FLEGT) của Liên minh châu Âu để gia tăng uy tín và có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp không có chứng chỉ rừng bền vững.
Ngọc Lê