Với sự hình thành và phát triển mạnh của nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại 2 thôn Giã Trung 1 và Giã Trung 2 thuộc  xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên), những năm gần đây, cuộc sống của người dân trong xã đã thực sự khởi sắc, giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động tại địa phương và vùng lân cận.


Tiên Phong vốn là xã thuần nông đông dân nhất của Phổ Yên với gần 3.400 hộ và trên 14.500 nhân khẩu. Trước đây, do kinh tế khó khăn, một số người dân Tiên Phong đã xuống Bắc Ninh học nghề, sau đó về địa phương mở xưởng và truyền nghề lại cho nhau. Ban đầu chỉ có vài xưởng, dần dần số xưởng tăng lên theo từng năm.


Làng nghề hiện có không ít các nghệ nhân tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, óc tư duy tài nghệ đã và đang chế tác ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, được chạm trổ kỳ công tinh tế, kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính và hiện đại. Năm 2008, thôn Giã Trung được công nhận là làng nghề với khoảng 200 xưởng mộc, trên 1.000 lao động. Ngoài làng nghề Giã Trung, nghề mộc đã phát triển lan sang các thôn, xóm khác như Thù Lâm với khoảng 100 xưởng, trên 500 lao động. Nhờ phát triển nghề mộc, những năm gần đây, kinh tế của xã được nâng cao. Nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau vươn cao, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, trải rộng, có thể thấy, đời sống người dân ở đây đã sung túc nhiều. Năm 2016, doanh thu của làng nghề đạt hơn 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động (trong đó có gần 200 lao động là từ địa phương khác), bình quân thu nhập đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Bà con ở đây rất phấn khởi vì sản phẩm của địa phương đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, đây là một nghề rất có tiềm năng phát triển. Rõ ràng, việc phát triển nghề truyền thống không chỉ tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn mà còn góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa.


Tuy nhiên, có một thực tế là nghề mộc ở đây ban đầu là tự phát, các xưởng mộc đều được mở tại nhà dân, 100% trên đất ở và đất vườn. Sau nhiều năm hoạt động, do không có diện tích nên việc mở rộng quy mô sản xuất của các xưởng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm về chất thải, tiếng ồn, bụi, hóa chất… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Thấy được những hạn chế này, vài năm trước trong quy hoạch nông thôn mới, Tiên Phong đã quy hoạch khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại Giã Trung nằm tách biệt ra khỏi khu dân cư trên khu đất đồi và đất ruộng kém hiệu quả với hy vọng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở đây sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, giao thông và sinh hoạt của người dân.


Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu đồ gỗ mỹ nghệ nên hoạt động của làng nghề gặp nhiều khó khăn. Được sự khuyến khích và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hộ dân thuộc làng nghề Giã Trung đã chủ động nhập thêm nguyên liệu, đầu tư máy móc hiện đại  nên hoa văn đẹp và độ chính xác cao, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều hộ đã nhận được đơn hàng trực tiếp từ Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) với số lượng khá lớn. Ngay sau khi kết thúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu, hầu hết các hộ làm nghề đã bắt tay ngay vào sản xuất để kịp phục vụ khách hàng.


CTV