Thời gian lập kế hoạch, xét duyệt chưa hợp lý, công tác khảo sát trước khi xây dựng cũng chưa sát sao khiến các đề án khuyến công bị chậm tiến độ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp.


Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Định: Sau nhiều năm triển khai, chương trình khuyến công đã tác động tích cực đối với kinh tế xã hội của tỉnh. Số lao động sau đào tạo đã được tạo việc làm ổn định. Những đề án xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc thiết vào sản xuất đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào việc phát triển các ngành nghề nông thôn.


Cụ thể, những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công, Bình Định đã dạy nghề và tạo việc làm cho 5.600 lao động; xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật; 12 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; thực hiện 5 đề án lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; 01 đề án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

 
Tỉnh cũng đã dành nguồn vốn đáng kể tổ chức các kỳ Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn (CNNT) cấp khu vực tại Bình Định, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT cấp tỉnh, khu vực và tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn cấp khu vực... qua đó đã khuyến khích phát triển và quảng bá sản phẩm CNNT của tỉnh.


Tuy nhiên, cũng theo Sở Công Thương Bình Định, công tác khuyến công của tỉnh còn gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ và hiệu quả của các đề án khuyến công. Theo quy định, thời gian lập kế hoạch, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch khuyến công là thời điểm giữa năm hiện tại. Theo đó, những đề án khuyến công được đưa vào kế hoạch là các dự án đã và đang được doanh nghiệp đầu tư nên đảm bảo về tiến độ. Thế nhưng, với các đề án hỗ trợ dự án mới lại thường không đảm bảo tiến độ do doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn vốn đối ứng, tác động đến tiến độ triển khai đề án.


Bên cạnh đó, việc triển khai các nội dung hoạt động khuyến công chưa được đa dạng và phong phú. Quy mô và chất lượng các đề án khuyến công chưa được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn. Hoạt động khuyến công cũng chưa phát huy vai trò trở thành cầu nối cho các đơn vị sản xuất tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công hiện cũng quá mỏng, cán bộ khuyến công cấp huyện chưa được bố trí đầy đủ, phải kiêm nhiệm nhiều việc gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả khuyến công.


Việc ứng dụng, cải tiến thiết bị đưa vào sản xuất giúp các cơ sở tăng năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm cao hơn, tiết kiệm sức lao động và phù hợp xu thế. Nhưng thực tế, khi doanh nghiệp chấp nhận đầu tư thay đổi thiết bị mới, cải tiến sản xuất nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, thiết bị chưa thể khai thác tối ưu công suất. Thậm chí, có những cơ sở chỉ sử dụng 30% công suất thiết bị. Đây chính là sự bất cập trong đầu tư và có thể dẫn đến tác động ngược cho doanh nghiệp CNNT.


Có thể nói, hiện trạng trên của khuyến công Bình Định ngoài việc bắt nguồn từ năng lực còn hạn chế của doanh nghiệp; nhưng các đơn vị quản lý cũng cần sâu sát hơn trong việc xây dựng kế hoạch, khảo sát, tư vấn, lựa chọn các đề án khuyến công.


Để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong việc triển khai đồng thời nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công, theo Sở Công Thương Bình Định: Sẽ tập trung nghiên cứu tư vấn cho các cơ sở CNNT lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, đem lại hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã thực hiện tốt khâu khảo sát các đề án ứng dụng máy móc thiết bị, mô hình trình diễn. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế. Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất công nghiệp để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, kịp thời phản ánh, xử lý những vướng mắc trong hoạt động khuyến công…


CTV