Tiềm năng làng nghề
Mỹ An là xã ven biển của huyện Phù Mỹ có diện tích tự nhiên trên 2.000 ha, với kinh tế chính là nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng biển ở địa phương có trữ lượng cá cơm dồi dào, nhất là từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm sản lượng đánh bắt được khá lớn.Hiện nay trên địa bàn xã Mỹ An có trên 20 chiếc tàu thuyền làm nghề lưới, chuyên đánh bắt cá cơm và ruốc, một số cơ sở có tàu thu mua và tàu đánh bắt để tự cung, tự cấp nguồn nguyên liệu cho mìnhTrước đây, các cơ sở chế biến cá cơm khô sản xuất tại hộ gia đình và nằm rải rác trong khu dân cư, nhưng từ khi có quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập và mở rộng làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ với diện tích là 11,8 ha và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009 việc chế biến cá cơm đã có cơ hội ngày càng phát triển hơn.
Mùa chế biến cá cơm khô nhiều nhất là vào tháng 1 - 4 hàng năm. Đến thôn Xuân Bình những ngày này, không khí đông vui nhộn nhịp như hội. Chị Cẩm Ly, chủ một cơ sở chế biến cá cơm khô ở đây cho biết: cũng là các loại cá cơm như những nơi khác, nhưng cá cơm ở đây có hương vị riêng, thơm ngon hơn. Cá mới đánh lên bờ còn tươi rói, chúng tôi đem về chế biến ngay với bí quyết, công nghệ cao nên cá luôn giữ được hương vị đặc trưng… Cá cơm khô Mỹ An có giá bán ra cao hơn nhưng vẫn luôn cháy hàng. Sản phẩm cá cơm khô Mỹ An giờ đây không những khẳng định, vững chắc ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Những năm qua, sản lượng cá cơm khô liên tục tăng cao, năm 2008 sản lượng cá cơm xuất khẩu mới đạt 1.102 tấn thì đến năm 2012 đã đạt 1.602 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,8%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 sản lượng cá cơm khô ước đạt 1.416 tấn, tăng 14,94% (+184 tấn) so với cùng kỳ.
Duy trì và phát triển làng nghề
Bên cạnh những thành quả thực tế đã đạt được, làng nghề chế biến cá khô vẫn còn khá nhiều hạn chế trong sản xuất. Khó khăn nhất hiện nay là do nguồn nguyên liệu chỉ tập trung từ tháng 1 tới tháng 4 hàng năm, các tháng còn lại nguồn cá cơm khan hiếm, làm giá thành nguyên liệu tăng cao dẫn đến nhiều cơ sở chế biến phải đóng cửa. Các cơ sở chế biến của làng nghề, hầu hết sản xuất với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Mặc khác, do vốn ít, không đủ điều kiện đầu tư và mua sắm máy móc thiết bị lớn như kho lạnh và lò sấy cá vì vậy nhiều cơ sở khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi không dám thu mua do việc chế biến cá phải thực hiện ngay thì sản phẩm mới đạt chất lượng xuất khẩu.
Để duy trì và phát triển được sản phẩm cá cơm khô tại làng nghề cá cơm xã Mỹ An cũng như giúp cho làng nghề ngày càng phát triển tốt hơn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thì cần được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ về nguồn vốn để các cơ sở chế biến mở rộng, đầu tư sản xuất, mua sắm kho lạnh và lò sấy cá, tạo thuận lợi cho việc chế biến cá cơm, nâng cao chất lượng và sản lượng; có định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành lập Hiệp hội phát triển nghề chế biến cá cơm khô xuất khẩu ở địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu mua nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nguyện vọng chung của những người làm nghề chế biến cá cơm khô xuất khẩu nơi đây.
Thanh Nhàn