Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động tại cơ sở là mục tiêu hàng đầu của hoạt động khuyến công Bình Dương. Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương (Trung tâm) đã triển khai rất hiệu quả công tác đào tạo nghề một cách có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết việc làm cho người lao động.

Gắn kết đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn của thị trường, đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng… là những giải pháp được Bình Dương đặt ra để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Trước khi thực hiện mỗi đề án đào tạo, Trung tâm luôn khảo sát nhu cầu lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề để điều chỉnh quy mô cho phù hợp.

Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ, máy móc còn lạc hậu, việc tuyển và sử dụng lao động tại các DN chủ yếu qua hình thức truyền nghề trực tiếp, số lượng lao động đã qua đào tạo còn ít. Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao đòi hỏi các DN phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một áp lực rất lớn đối với công tác đào tạo nghề trong những năm tới. Với mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cho các DN, nhiều năm qua, Trung tâm đã gắn đào tạo lao động với nhu cầu của từng DN. Mở rộng liên kết với DN, gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, phù hợp với nhu cầu thực tế của DN, đáp ứng được lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Người học nghề ngoài việc học lý thuyết nghề, được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị tại DN, do đó có thể vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Đây là bước ngoặt mới trong việc tìm kiếm và đào tạo lao động có tay nghề, góp phần giải quyết vấn nạn thiếu lao động có tay nghề cao của DN.

Đên hết năm 2016, Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo được 6.062 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ 4,186 tỷ đồng, chủ yếu là lao động trong các ngành nghề như: May công nghiệp, chế biến gỗ, mây tre đan, tiện, điêu khắc gỗ, đan sợi nhựa, hàn khung sắt. Người lao động sau khi được đào tạo được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo nghề tùy vào thời gian tham gia khóa học và được nhận vào làm việc tại các DN. Các DN thay vì thụ động tuyển lao động theo các phương thức tự do hay tiếp nhận lao động từ các cơ sở hoặc trung tâm dạy nghề với kiến thức chung, nay  chủ động đề xuất yêu cầu, phối hợp tổ chức đào tạo lao động theo mục tiêu sản xuất của DN.

Việc đào tạo, dạy nghề cho người lao động theo yêu cầu DN cho thấy hoạt động khuyến công Bình Dương đã chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề, mở ra những cơ hội mới cho người lao động cũng như DN công nghiệp nông thôn. Đồng thời, khẳng định vai trò của chương trình khuyến công trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Bình Dương.

 

CTV. Khánh Ngọc