Nhiều năm qua, nghề nấu cao dược liệu ở làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đặc biệt là cao lá vằng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm này thì việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sẽ từng bước giải quyết vấn đề này.

Về làng nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), hỏi gia đình chị Mai Thị Thủy ai cũng khâm phục tài năng nấu các loại cao từ cây thảo dược của chị. Nhiều năm nay, thương hiệu cao chè vằng, diệp hạ châu, hà thủ ô của chị được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng, không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Gia đình chị Mai Thị Thủy làm nghề nấu cao dược liệu gần 10 năm nay. Ban đầu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm nên chị Thủy chỉ nấu với quy mô nhỏ và chủ yếu là nấu cao lá vằng, nguồn nguyên liệu được thu hái ngay tại địa phương. Dần dần thấy nhu cầu thị trường đối với các loại cao dược liệu ngày càng cao, vợ chồng chị đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó chị đầu tư thêm phương tiện, cơ sở vật chất, thuê thêm nhân công để nấu nhiều loại cao dược liệu khác nhau. Hiện tại cơ sở của chị nấu đến 16 sản phẩm cao các loại, trong đó nhiều nhất là cao lá vằng, cà gai leo, diệp hạ châu, hà thủ ô… Trung bình mỗi tháng gia đình chị sản xuất 5 tạ cao. Nhờ đầu tư công nghệ ngày càng hiện đại, từ khâu chế biến đến đóng gói, bảo quản nên sản phẩm làm ra được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Sản xuất nhiều, việc thu mua nguyên liệu của chị cũng mở rộng vào đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Chị Thủy cho biết: “Nghề nấu cao dược liệu không khó, tuy nhiên đòi hỏi công phu, trải qua nhiều công đoạn khác nhau nên vừa tạo được việc làm cho gia đình và 10 lao động thường xuyên ở địa phương”. 


      Sau khi ổn định sản xuất và thị trường, chị Thủy bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Riêng trong năm 2016, được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công huyện, chị Thủy tiến hành xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm là cà gai leo, hà thủ ô và diệp hạ châu, nâng tổng số sản phẩm được công nhận thương hiệu lên 7 sản phẩm. Các loại cao sau khi được công nhận thương hiệu đã được bảo hộ sản phẩm độc quyền, cơ quan chức năng kiểm nghiệm, tất cả các yêu cầu đều đạt chuẩn và công nhận thực phẩm an toàn chất lượng, hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Hiện nay, tổng thu nhập từ nghề nấu cao dược liệu của gia đình chị Mai Thị Thủy mỗi năm trên 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xây dựng được thương hiệu, trong năm 2016, sản phẩm cao lá vằng và tinh bột nghệ của gia đình chị còn được tôn vinh là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” lần thứ 3 do UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế từ việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao dược liệu trên địa bàn Ông Nguyễn Văn Thon, Phó chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết: “Trước đây việc tiêu thụ sản phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi được sự quan tâm của sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hổ trợ nguồn vốn khuyến công tạo điều kiện để người dân trên địa bàn cải thiện cuộc sống”.

Hợp tác xã (HTX) Cao dược liệu làng nghề Định Sơn được thành lập cuối năm 2016 với 30 thành viên là những gia đình có trên 10 năm kinh nghiệm sản xuất cao dược liệu, chủ yếu là cao chè vằng. Nhận thấy nghề nấu cao dược liệu nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giải quyết việc làm, tuy nhiên các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẽ, hầu hết chưa có nhãn hiệu, thương hiệu nên giá trị sản phẩm chưa cao. Cũng nhờ sự hổ trợ, tư vấn của Sở Công Thương, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của làng nghề. Ông Trần Văn Thi – Phó Giám đốc HTX Cao dược liệu làng nghề Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục về xây dựng thương hiệu, có logo, trang web riêng để quảng bá sản phẩm của thành viên HTX, sản phẩm cũng đã được tham gia hội chợ nông sản của huyện Cam Lộ, hội chợ thương mại, du lịch của tỉnh và Sở Công Thương cũng tạo điều kiện để sản phẩm được tham gia hội chợ ở Hà Nội trong tháng 4 vừa qua”.

Từ nghề nấu cao dược liệu đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Để có đầu ra ổn định với giá trị sản phẩm cao thì chất lượng sản phẩm sẽ là thước đo khẳng định thương hiệu cho chính các sản phẩm để đưa ra thị trường. Người dân luôn mong muốn được tập huấn thêm kỹ thuật sản xuất, nâng cao hơn chất lượng của sản phẩm để tạo nên sự cạnh tranh trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Thi- HTX Cao dược liệu làng nghề Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ chia sẽ rằng: “mặc dù chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn 10 năm nấu cao dược liệu nhưng thị trường chủ yếu là nhỏ lẽ, tự tìm các bạn hàng quen để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu không chỉ giúp sản phẩm của chúng tôi đến với khách hàng trong nước mà có thể ra thị trường lớn hơn”.

Một vấn đề quan trọng là khi xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu thì chắc chắn sản phẩm của các thành viên sẽ được thị trường đón nhận. Vấn đề mà người nấu cao dược liệu quan tâm đó chính là làm thế nào để chủ động được nguồn nguyên liệu tại địa phương vì các loại cao lá này có thể ươm giống và trồng với quy mô lớn.

Làng Định Sơn cũng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề nấu cao dược liệu vào cuối năm 2016, tuy nhiên để có thể duy trì và phát triển lâu dài thì việc xây dựng thương hiệu là bước quan trọng để đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Thực hiện được vấn đề này sẽ bước đầu giải quyết vấn đề đầu ra, quan trọng hơn là vấn đề chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sự góp sức của chính quyền các cấp và các sở ngành liên quan là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thi – Phó Giám đốc HTX cao dược liệu làng nghề Định Sơn chia sẽ thêm: “Chúng tôi có những người nấu cao dược liệu có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn luôn cần đến sự quan tâm của chính quyền các cấp và các Sở ngành liên quan để tạo điều kiện về chính sách, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để sản phẩm được tiếp cận thị trường nhiều hơn”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Định Sơn là làng nghề nấu cao dược liệu duy nhất của tỉnh, nghề nấu cao dược liệu của bà con Định Sơn đã mở ra hướng sản xuất mới. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, khi sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước ngày càng nhiều, thì việc phải tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài. Bởi vậy, xã đã quy hoạch vùng trồng dược liệu khoảng 2ha tại địa bàn làng Định Sơn, bước đầu thực hiện thí điểm để có cơ sở vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Cùng với việc xây dựng thương hiệu sẽ là bước quan trọng để đưa sản phẩm cao dược liệu vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.     

 

Bài và ảnh: Minh Hiển