Hoạt động khuyến công ngày càng phát huy hiệu quả
Hiện nay tỉnh Bình Dương có 55 làng nghề truyền thống, khoảng 6.000 doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT). Mấy năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, cũng như việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay khiến nhiều DN CNNT đã ngừng hoạt động. Mặc dù vậy, một số làng nghề vẫn duy trì, phát triển nghề truyền thống. Năm 2014, Bình Dương đã có 16 sản phẩm của các cơ sở CNNT được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Khó khăn chung của các làng nghề là hầu hết các cơ sở, DN CNNT có quy mô nhỏ, một số có quy mô cấp gia đình và làm theo đơn hàng, chưa tự thiết kế mẫu mã hay tạo ra sản phẩm đặc trưng; nguồn vốn nhỏ, chưa đủ sức ký nhận những đơn đặt hàng lớn. Trình độ kỹ thuật của DN CNNT còn thấp về cả sản phẩm, thiết bị lẫn công nghệ. Các DN CNNT phát triển không đồng đều.
Nhằm khuyến khích phát triển CNNT, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Nhờ vậy, hoạt động khuyến công ở Bình Dương đã đi vào ổn định và phát triển, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của khuyến công đối với các cơ sở, DN CNNT.
Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công Bình Dương đã thường xuyên phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn về “Tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công của nhà nước và thủ tục lập đề án cho các đối tượng là cơ sở CNNT” nhằm thông tin và tạo điều kiện cho DN CNNT, nông dân được tiếp cận với chính sách của nhà nước rộng rãi hơn. Đồng thời, hỗ trợ làm các thủ tục nhằm công nhận làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn: “Khởi sự DN”, “Nâng cao năng lực quản lý cho các DN CNNT”, “Quản lý chất thải công nghiệp, sản xuất sạch hơn”… cho các DN CNNT trên địa bàn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương đồng bộ với các chính sách khác như: Chính sách đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học và công nghệ. Nhờ vậy, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đã được gìn giữ duy trì và phát triển, nhiều nghề mới được hình thành và nhân rộng. Nhiều cơ sở, DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thu hút và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập cho các DN CNNT, vực dậy các làng nghề truyền thống, hiện Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương Bình Dương, đang tích cực thực hiện giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các DN về chính sách khuyến công, hỗ trợ đào tạo nghề cho các DN nhằm đào tạo lao động có tay nghề cao, bổ sung lực lượng cho các cơ sở đang thiếu lao động hiện nay. Thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã, Hội liên hiệp phụ nữ, Sở lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công.
Đặc biệt, Trung tâm khuyến công Bình Dương đã và đang tích cực thực hiện giải pháp tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, hoặc thông qua các đơn vị đầu mối quản lý DN như phòng kinh tế huyện, thị và các hiệp hội ngành nghề, những tổ chức luôn sâu sát, nắm rõ và có uy tín với các DN trên từng địa bàn, trong từng ngành hàng, để chương trình phát huy hiệu quả và lan toả sâu rộng đến những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm khuyến công Bình Dương đã tổ chức đào tạo gần 7.000 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ 4,896 tỷ đồng, chủ yếu là các ngành nghề như may công nghiệp, chế biến gỗ, mây tre đan, tiện, điêu khắc gỗ, đan sợi nhựa, hàn khung sắt… Sau khóa học, học viên được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo nghề tùy vào thời gian tham gia khóa học và được DN tiếp nhận vào làm việc.
Đào tạo gắn chặt với nhu cầu của các DN là giải pháp thiết thực đưa DN trở thành một trong những chủ thể tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Tại những khóa đào tạo nghề từ chương trình khuyến công cho lao động đang làm việc tại những DN, lao động được trang bị kiến thức về kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp; rèn luyện kỹ năng; trang bị kỹ năng tự rèn luyện để không ngừng nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho bản thân để góp phần nâng cao khả năng thực hiện mục tiêu tăng chất lượng cuộc sống cho người lao động. Đây thực sự là nguồn nhân lực có tay nghề góp phần giúp cho các DN ngày càng phát triển ổn định.
Công ty TNHH Liên Phát đặt trụ sở tại phường An Bình, Thị xã Dĩ An hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công giày các loại để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Lực lượng lao động của Công ty có hơn 1.000 người, chủ yếu là lao động trẻ không có tay nghề và trình độ văn hóa thấp đến từ các tỉnh lân cận. Hàng năm, Công ty phải thực hiện đào tạo cho khoảng 500 lao động. Từ nguồn kinh phí khuyến công, TTKC Bình Dương đã phối hợp với Công ty TNHH Liên Phát tổ chức khai giảng 6 lớp đào tạo nghề may da giày cho 300 lao động tại Công ty. Sau khóa đào tạo, lao động đã có tay nghề vững, phù hợp với yêu cầu của Công ty. Đến nay lực lượng lao động đã được đào tạo là những công nhân nòng cốt giúp Công ty Liên Phát nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường quốc tế.
Từ các hoạt động khuyến công cụ thể, thiết thực đã và đang khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của chương trình khuyến công trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Bình Dương.
CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG