Ưu tiên nguồn kinh phí cho phát triển CCN
Theo đó, Tỉnh đang quy hoạch phát triển 35 CCN tại 11 huyện, thị xã đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn là 5.900 tỷ đồng. Các CCN ra đời nhằm kêu gọi thu hút các ngành nghề như sản xuất chế biến nông lâm sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và sản phẩm làm từ kim loại đúc; sản xuất sản phẩm điện tử, động cơ máy móc; dệt, may mặc và các sản phẩm có liên quan. Dự kiến, các CCN đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động trực tiếp.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có 21 CCN với tổng diện tích 583ha. Giai đoạn đến năm 2030, bổ sung thêm 14 CCN. Dự kiến các CCN có quy mô ở mức trung bình khoảng 33 ha/cụm. Trên cơ sở phân tích kỹ từng phân kỳ, phân đoạn đầu tư phát triển, những điểm mạnh, yếu và tiềm năng của từng CCN ở từng địa phương, Bình Phước quyết định huyện Bù Đăng được dự kiến xây dựng số CCN nhiều nhất là 7 cụm với tổng diện tích hơn 225 ha, và địa bàn ít nhất là huyện Chơn Thành 1 cụm, diện tích 10ha.
Nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút đầu tư
Khó khăn nhất hiện nay là việc kêu gọi thúc đẩy thu hút đầu tư vào các CCN. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp mong muốn được vào CCN để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường thì vẫn còn không ít doanh nghiệp lo ngại vì tập trung vào CCN sẽ gặp khó khăn về nguồn lao động. Mặt khác, chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên thường tận dụng mặt bằng nhà ở để làm nơi sản xuất; nếu vào CCN, ngoài việc được hưởng lợi từ hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, hệ thống xử lý nước thải, thì doanh nghiệp cũng phải bỏ vốn để đầu tư nhà xưởng và các trang thiết bị khác, đây là vấn đề còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bình Phước đã xây dựng nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ cùng với chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, tỉnh Bình Phước đã xây dựng đề án: “Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025” nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh trợ giúp doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực quản trị kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn; hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa...
Đặc biệt, Bình Phước rất chú trọng hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh các CCN, cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ trên 40% doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mặt bằng sản xuất tại các khu, CCN, cụm ngành nghề CNNT; đưa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm; đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho khoảng 400 chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa đã qua đào tạo đạt trên 65%. Mục tiêu đạt trên 30% số doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và 100% số doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ cung cấp thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm ổn định, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và chế biến sâu thành các sản phẩm tinh chế nhằm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; xây dựng và tổ chức quảng bá chính sách thu hút đầu tư; đào tạo lao động...
Đồng thời, chính sách khuyến công cũng thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của Tỉnh trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của địa phương. Chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết, mở rộng. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công tới các doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng với nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
CTV.KC