Doanh nghiệp tư nhân Yên Chín đóng trên địa bàn xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Lập nghiệp bằng nguồn vốn tự có nên buổi đầu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tất cả các khâu như: sấy, chẻ, bóc vỏ, phân loại hạt điều… của doanh nghiệp đều thực hiện bằng thủ công hoặc nếu có thiết bị thì cũng chỉ là những thiết bị theo công nghệ cũ.

 

Chính vì điều này mà mặt hàng hạt điều của doanh nghiệp Yên Chín sản xuất đều phải bán qua trung gian hoặc các công ty lớn hơn để họ xuất khẩu. Hơn nữa nguồn lao động, công nhân tham gia dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều cũng đang ngày một giảm do nhiều công ty xí nghiệp trên địa bàn huyện được thành lập và đi vào hoạt động. Trăn trở tìm hướng đi mới, chủ doanh nghiệp Trần Văn Yên đã quyết tâm đổi mới trang thiết bị để có thể sản xuất chế biến hạt điều bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập công nhân, nâng năng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.


Qua tìm hiểu và tiếp cận với đề án khuyến công quốc gia năm 2013, trong đó nêu rõ việc ưu tiên “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều”, chủ doanh nghiệp Trần Văn Yên đã mạnh dạn đầu tư dàn máy cắt tách vỏ cứng hạt điều. Tổng mức đầu tư là 550 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp tư nhân Yên Chín đã nhận được sự hỗ trợ 100 triệu đồng từ phía ngành khuyến công. So sánh hiệu quả giữa tách vỏ cứng thủ công với máy, ông Trần Văn Yên cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, hơn 90 công nhân ở khâu tách vỏ cứng hạt điều của doanh nghiệp chẻ được từ 4-5 tấn hạt điều và mỗi tháng số lương phải trả cho bộ phận công nhân khâu này khoảng 250 triệu đồng. Với máy cắt tách vỏ cứng hạt điều có công suất từ 5-6 tấn điều chẻ trong vòng 10 tiếng đồng hồ, tỉ lệ sạch của máy chẻ đạt 70-80% thì với công suất như thế này có thể thay thế hữu dụng với diện tích mặt bằng nhỏ hẹp ở cơ sở, giảm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.


Doanh nghiệp tư nhân Yên Chính là một trong 2 doanh nghiệp được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công quốc gia đợt 2/2013 với mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/một doanh nghiệp. Số tiền được thụ hưởng lần này sẽ là nguồn động viên to lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và phát triển. Theo khảo sát thực tế của ngành sản xuất chế biến hạt điều ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cho thấy: trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải đổi mới công nghệ. Đây không những là vấn đề quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp mà còn là căn cơ để sản phẩm hạt điều Bình Phước đạt theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP…. Trong khi đó, tốc độ đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp đang diễn ra rất chậm, chưa đồng đều và chưa theo một định hướng phát triển rõ rệt. …Để tháo gỡ những khó khăn này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các sở, ban ngành, trong đó hoạt động khuyến công vẫn giữ vai trò quan trọng trong mối liên kết giữa các chính sách của nhà nước với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh.


Đề án “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều” đã mang lại lợi ích thiết thực, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo môi trường trong khu dân cư. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thực hiện được 5 đề án “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều”, trong đó 3 đề án được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 2 đề án được thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Bằng sự nỗ lực của mình, hoạt động khuyến công đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp CNH –HĐH đất nước.


Thúy Hà