Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Còn theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có 3.500 làng nghề và làng có nghề. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm do các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.

 

Để khơi thông thị trường, thời gian qua, các Trung tâm khuyến công địa phương trên cả nước cũng đã chú trọng công tác tư vấn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhằm tăng lượng bán hàng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên để làm được việc này cũng rất cần sự quan tâm ở các cấp các ngành và đặc biệt là nỗ lực từ phía các doanh nghiệp.

 

Theo đại diện Công ty cổ phần sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thăng Long, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, xưởng sản xuất của Công ty luôn có hàng trăm công nhân làm việc, khoảng 500 hộ gia đình xung quanh địa bàn làm gia công những công đoạn ban đầu. Sản phẩm là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, sơn dầu, sơn mài, tre nứa ghép… Thời gian đầu Công ty gặp khó khăn trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm, khách hàng tới tham quan nhưng số lượng chủng loại hàng hóa trưng bầy rất ít, đơn điệu và cũng rất ít đơn đặt hàng. Để duy trì sản xuất kinh doanh và đời sống cho hàng trăm lao động là cả gánh nặng trên vai Ban lãnh đạo Công ty. Năm 2011, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (IPC1) đã tư vấn Công ty mở một showroom trưng bày sản phẩm mẫu. Từ khi mở phòng mẫu đến nay khách hàng rất hài lòng vì tới Công ty vừa xem được sản phẩm trực tiếp, vừa được xem sản phẩm trưng bày trên phòng mẫu. Bên cạnh đó, Công ty được tư vấn cách chọn các sản phẩm để trưng bầy và trưng bày sao cho khách hàng dễ nhận thấy và chọn lựa, vì vậy khách hàng về đặt trực tiếp tại phòng mẫu và chọn những sản phẩm trong showroom của Công ty ngày một tăng thêm.

 

Lượng khách hàng tới thăm quan và đơn hàng tuy đã tăng lên nhiều so với trước đây, nhưng sản phẩm sản xuất mới chỉ dừng ở 7-8 container/tháng. Các công ty ở tỉnh xa, lại không có vị trí thuận lợi, xa đường quốc lộ nên khách hàng phải mất thời gian, công sức, chi phí mới đến được Công ty tìm hiểu sản phẩm và ký đơn hàng. Bởi vậy, ngoài tư vấn lập showroom tại Công ty, thì sự hỗ trợ của IPC1 trong việc tư vấn lập trang web cũng rất là cần thiết. Chị Đinh Thị Lệ - Kế toán trưởng Công ty CP sản xuất hàng thủ công Mỹ nghệ Thăng Long cho biết: Được IPC1 giúp, chúng tôi đã thành lập trang web thanglongbamboo.com, từ đó thường xuyên update sản phẩm mới lên trang web. Những công đoạn sản xuất ra sản phẩm, đều được chụp ảnh và đưa lên trang web, thông qua đó khách hàng thấy sản phẩm mới mà Công ty làm ra nên rất yên tâm về chất lượng và mẫu mã và trực tiếp đặt đơn hàng. Đã có một số khách hàng liên hệ đặt hàng trực tiếp thông qua trang web này.

 

Hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Công ty đã có mặt ở một số nước châu Mỹ, châu Âu nhưng vẫn chưa tự xuất hàng đi được, mà phải qua các doanh nghiệp thương mại ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do đó lợi nhuận chưa cao, chỉ đủ chi phí cho sản xuất và đời sống cho hàng trăm công nhân. Ông Đinh Công Khánh - Giám đốc Công ty CP sản xuất hàng thủ công Mỹ nghệ Thăng Long cũng cho biết: Khó khăn nhất là đầu ra, chúng tôi muốn bán cho những khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm. Những năm vừa qua chúng tôi đã đi một số hội chợ trong nước, còn đi các hội chợ quốc tế thì chưa có điều kiện tham dự được, do chi phí gian hàng ở nước ngoài rất tốn kém. Vì vậy chúng tôi rất mong được hỗ trợ của Khuyến công và Sở Công Thương để sản phẩm tiếp cận được với các khách hàng nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua các khâu trung gian.

 

Từ câu chuyện của Công ty CP sản xuất hàng thủ công Mỹ nghệ Thăng Long có thể thấy công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm là hết sức cần thiết, giải pháp cấp bách hiện nay là cần khơi thông thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Sở Công Thương, các Trung tâm Khuyến công địa phương cần nâng cao vai trò cầu nối thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra một trong những giải pháp, hướng mới để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề là ứng dụng thương mại điện tử. Được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề ứng dụng thương mại điện tử trong bán hàng và xuất khẩu. Theo đó, các sản phẩm làng nghề sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử, có hình ảnh, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... Tuy nhiên tất cả các doanh nghiệp làng nghề tham gia phải cam kết chất lượng sản phẩm. Đây được coi là một bước quan trọng thiết lập mạng lưới phân phối và tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng và các sản phẩm làng nghề nói chung.

 

Lê Hùng