
Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai, thực hiện, Nghị định 134 (NĐ 134) về công tác khuyến công đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đây là ý kiến phát biểu của ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương tại buổi tổng kết Hội nghị triển khai công tác khuyến công 28 tỉnh thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VI tổ chức tại tỉnh Hòa Bình vào ngày 5/8 vừa qua.
Tại Hội nghị, ngoài báo cáo tổng kết và phương hướng nhiệm vụ công tác khuyến công những tháng cuối năm, các đại biểu đại diện các cơ quan chức năng của Bộ, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố đã dành phần lớn thời gian để phân tích đánh giá kết quả đạt được, nêu rõ những hạn chế, bất cập của NĐ 134, đồng thời đóng góp ý kiến vào dự thảo bổ sung hoàn thiện NĐ 134.
Kết quả và tồn tại
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), tính đến hết tháng 6, tổng kinh phí khuyến công năm 2011 đã được phê duyệt (bao gồm cả kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương) của 63 tỉnh, thành phố là 183,665 tỷ đồng (tăng 23,22 % so với thực hiện năm 2010). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 62,584 tỷ đồng, kinh phí khuyến công của địa phương (bao gồm 58/63 tỉnh, thành phố) là 121,081 tỷ đồng. Một tín hiệu đáng mừng hơn là tuy giá trị so sánh sáu tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2010, nhưng tăng trưởng SXCN khu vực dân doanh lại đạt tới 17,1%. Điều đó cho thấy mặc dù công tác khuyến công còn hạn chế so với quy mô giá trị SXCN, nhưng có vai trò rất quan trọng đặc biệt là đối với khu vực sản xuất này. Hơn sáu năm qua, các đề án thuộc bảy nội dung khuyến công chính đã được triển khai quy củ hơn, năng lực đội ngũ cán bộ khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã được nâng lên và hiệu quả đem lại cũng hết sức to lớn.
Riêng đối với 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, kinh phí khuyến công năm 2011 được duyệt là 85,170 tỷ đồng, chiếm 46,63% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ là 32,946 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, đã có 26/28 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí là 52,224 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2010, chiếm 44,79% tổng kinh phí khuyến công địa phương của cả nước. Một số tỉnh có kinh phí khuyến công địa phương giảm nhiều là Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai (giảm từ 30% - 62%). Có hai tỉnh chưa bố trí kinh phí KCĐP. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã thực hiện giải ngân các chương trình theo 7 nội dung khuyến công là: Đào tạo nghề là 14,215 tỷ đồng (đạt 37,1% kế hoạch); Nâng cao năng lực quản lý là 1,239 tỷ đồng (đạt 24,16%); Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật là 5,731 tỷ đồng (đạt 25,23%); Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là 1,354 tỷ đồng (đạt 18,11%); Hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm điểm công nghiệp là 1,820 tỷ đồng (đạt 69,51%); Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện là 867 triệu đồng (đạt 52,86%).. Sáu tháng đầu năm, đã thực hiện tư vấn cho 185 dự án, doanh thu khoảng 5,3 tỷ đồng, đạt 34,10% kế hoạch năm (giảm 29,78% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, để đánh giá thực chất của công tác khuyến công thì thấy rằng, trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 134 tại các địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập. Hầu hết các đề án có xu hướng dễ thì làm nhiều hơn. Trong bảy nội dung thì công tác đào tạo chiếm 45% kinh phí hỗ trợ, còn xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ chiếm 27%, riêng kinh phí dành cho phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu thì chủ yếu lại phục vụ triển lãm. Nội dung bố trí ít kinh phí là công tác tư vấn cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hỗ trợ liên doanh liên kết chỉ chiếm 3%. Để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn thì năng lực đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nông thôn cũng là một vấn đề cần giải quyết...
Góp ý cho công tác khuyến công và dự thảo NĐ 134: Từ những tồn tại trên đây đã đặt ra cho công tác khuyến công là phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cho phù hợp với xu thế, đây cũng chính là một trong những nội dung được rất nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến.
Đề cập đến những khó khăn gặp phải khi triển khai các đề án khuyến công, vấn đề được nhiều địa phương đưa ra lần này là cần đơn giản các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục thanh quyết toán, điều gây nhiều trở ngại nhất cho các doanh khi tiếp cận nguồn vốn khuyến công. Trong công tác đào tạo nghề, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến: Công tác nhân cấy nghề tại các xã thuần nông cần phải song hành với công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nghiệp, đối tượng thu gom, tìm đầu ra cho sản phẩm, có như thế thì nghề mới không bị mai một. Còn bà Nguyễn Thu Hồng - Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng cho rằng, các cơ quan nhà nước và địa phương cần xem xét và điều chỉnh lại mức hỗ cho đối tượng học nghề vì kinh phí dành cho đào tạo quá thấp. Hiện nay theo chương trình đào tạo nghề của khuyến công, các đối tượng học nghề 3 tháng chỉ được hỗ trợ là 300 nghìn đồng/tháng, mức chi này của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là 400 nghìn đồng. Trong khi đó, đào tạo nghề của khuyến công rất có chất lượng và theo địa chỉ, sau khi đào tạo, lao động nhanh có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Đề cập tới nội dung phát triển cụm điểm công nghiệp, ông Đỗ Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, kinh phí khuyến công nên hỗ trợ theo quy mô, đặc biệt là hạng mục xử lý môi trường (vì tình trạng ô nhiễm ở nhiều làng nghề đang ở mức báo động) hơn là thành lập các Trung tâm phát triển cụm vì bản chất giống ban quản lý. Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh thì đưa ra ý kiến được dư luận quan tâm, đó là địa phương này đã dành kinh phí đào tạo khởi sự doanh nghiệp thành công cho 1000 thanh niên trong tỉnh, đây chính là lực lượng lao động nòng cốt cho đội ngũ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang - ông Nguyễn Đình Bẩy thì nhấn mạnh, để ưu tiên phát triển các sản phẩm mới, tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương nên có hướng dẫn chỉ tiêu cụ thể quy định rõ ràng định mức tiêu hao năng lượng điện, danh mục đầu tư chợ phải có danh mục cụ thể, kinh phí khuyến công nên ưu tiên cho các tỉnh miền núi, nghèo…
Với Nghị định 134 (sửa đổi) lần này, cũng có nhiều đại biểu góp ý kiến, dự thảo nên đi theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn, như đào tạo nghề cho nông nghiệp; nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm cho các nghề; khả năng cạnh tranh ngành nghề, làng nghề (do chất lượng công nghệ đầu tư trong nước rất chậm và thấp nên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế)... Một số ý kiến còn cho rằng, dự thảo cần lưu ý vấn đề phối hợp với các bộ, ngành khác nhằm thu hút nguồn kinh phí về khuyến công quốc gia, đặc biệt là các Chương trình Mục tiêu quốc gia, thuộc hệ thống của Bộ như Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Qua Hội nghị lần này, cho thấy nhiệm vụ những tháng cuối năm mà khuyến công 28 tỉnh phía Bắc phải hoàn thành là rất nặng nề (vì 6 tháng đầu năm chưa đạt 1/2 khối lượng công việc), đặt biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất như hiện nay. Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác khuyến công khu vực các tỉnh miền Bắc, đồng thời yêu cầu các địa phương cần chủ động tìm mọi giải pháp duy trì, phát triển hoạt động khuyến công; tăng cường hỗ trợ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ở nông thôn, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin, tìm hiểu chính sách và tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động khuyến công; sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về hoạt động khuyến công tại các tỉnh, thành phố; sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách pháp luật cũng như các quy định khác; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động khuyến công đem lại hiệu quả thiết thực.v
PV. Thúy Vinh