Với lợi thế về tiềm năng du lịch có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhất là sau khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, mục tiêu phát triển kinh tế gắn với  phát triển du lịch bền vững được người dân Ninh Bình xác định và phấn đấu hoàn thành.

 Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có lợi thế của tỉnh như chế biến cói, thêu ren, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu  được chú trọng phát triển,  nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu địa phương.

Nghề mộc tại Ninh Bình đã và đang được phát triển với các định hướng rõ ràng trong chiến lược sản xuất và kinh doanh của từng doanh nghiệp. Hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp đều mang dấu ấn lịch sử, thể hiện phong cảnh, vẻ đẹp theo chiều sâu hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa dân tộc.        

Dạo quanh các gian hàng bày bán đồ lưu niệm tại các khu danh thắng ở Ninh Bình có thể dễ dàng cảm nhận được sự đa dạng của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng của vùng cố đô. Những sản phẩm được thiết kế bởi nhiều chất liệu và kích cỡ khác nhau và cũng đa dạng giá thành để người tiêu dùng lựa chọn. Đây là chủ trương của tỉnh Ninh Bình trong việc “Gắn làng nghề với phát triển du lịch” đã và đang được triển khai rộng khắp trong thời gian qua. Đặc biệt, hình tượng Nghê đá, một trong tứ linh của người Việt đã được đưa vào chế tác, trở thành sản phẩm du lịch khá độc đáo mà đặc trưng của vùng cố đô Hoa Lư

Trong tâm trí của người Việt,  Nghê là một trong tứ linh gắn bó với văn hóa dân tộc từ hàng ngàn năm. Nó không chỉ mang tính biểu tượng linh thiêng mà nó còn gắn kết và chia sẻ những tình cảm cộng đồng. Trong quần thể các di tích của vùng Cố đô Hoa Lư, hình tượng Nghê xuất hiện nhiều tại các đình, đền thờ với nhiều hình dáng và tư thế khác nhau. Những con Nghê ở đền thờ vua Đinh, vua Lê được tạo tác từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, thể hiện tay nghề khéo léo và tinh tế của những người thợ, tạo sức cuốn hút với người xem.

Ông Phạm Bảo Ngọc, một nghệ nhân về mộc mỹ nghệ của tỉnh Ninh Bình. Ông cũng là một chủ doanh nghiệp rất thành công trong việc đưa hình tượng Nghê vào các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa  truyền thống của địa phương thông qua các sản phẩm quà tặng.

Xuất phát từ lòng yêu nghệ thuật, cựu sinh viên ngành điêu khắc đã gắn bó sự nghiệp của mình với sự tìm tòi, cải tiến và phát triển với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Gần 20 năm gắn bó với nghề mộc đã giúp anh Ngọc tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn văn hoá vùng miền.

Chủ trương đưa linh vật Việt vào đời sống để đẩy lùi linh vật ngoại lai, việc nhận diện và làm sống lại những giá trị của linh vật Việt là cần thiết,  đang được các cấp lãnh đạo và mọi tầng lớp người dân hưởng ứng thực hiện. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm tòi để tạo ra các sản phẩm quà tặng là những linh vật phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu sản phẩm quà tặng mang truyền thống của địa phương. Là tác giả của hơn 100 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, anh Ngọc luôn trăn trở, hướng tới mục tiêu chinh phục thị trường du lịch bằng chính các sản phẩm đặc trưng của quê hương Ninh Bình. 

Với mặt bằng nhà xưởng rộng, nằm trên tuyến đường dẫn vào quần thể khu du lịch Tràng An – Bái Đính, nơi đây đã trở thành địa điểm hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. “Chinh phục thị trường nội địa bằng những sản phẩm đậm chất Ninh Bình” là phương châm trong chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty Vạn Bảo Ngọc. Những người thợ mộc trong xưởng không chỉ đơn thuần chế tác những sản phẩm Nghê theo khuôn mẫu mà họ còn hiểu được thông điệp sẽ được truyền tải đến với du khách qua những sản phẩm chế tác của mình.

Không chỉ sản xuất bằng chất liệu gỗ, sản phẩm linh vật Nghê của Vạn Bảo Ngọc được chế tác với nhiều loại chất liệu tổng hợp, bằng đá với kích thước to nhỏ khác nhau, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Với việc lựa chọn linh vật Nghê đặc trưng trên các đền thờ vua Đinh, vua Lê, trong không gian tín ngưỡng của Ninh Bình làm sản phẩm quà tặng, Vạn Bảo Ngọc đã tìm được hướng đi mới để lan tỏa giá trị văn hóa cho linh vật Việt, góp phần đa dạng mẫu mã cũng như tạo sức sống cho các sản phẩm mỹ nghệ Ninh Bình./.

TBT