Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 về phương pháp đánh giá thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, hầu hết UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020.

Các nhiệm vụ cần thực hiện để đạt kế hoạch năm 2017 - Một số kết quả đạt được

Về cơ bản đến nay các địa phương đã có được cơ sở và phương pháp đánh giá thống nhất để thẩm định và xét công nhận cho các xã đạt tiêu chí về điện nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra lưới điện trên địa bàn; đôn đốc các Công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức quản lý, bán lẻ điện nông thôn. Theo đó, Tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng điện khoảng 6.033,42 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tình hình thực hiện Tiêu chí số 4 của các địa phương: Có 6.766 xã đạt Tiêu chí số 4, chiếm 75,75% tổng số xã trên cả nước, tăng 1,03% số xã so với đầu năm 2017. Trong đó, có 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ.

Công tác phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương trong thời gian qua cũng đã đạt được sự quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp và cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống cho nhân dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí một cách cụ thể, rõ ràng. Theo đó, các Sở Công Thương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các xã trên địa bàn thực hiện tiêu chí số 7, rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… đảm bảo cho việc thẩm định, xét công nhận được chính xác và khách quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh/ thành phố đã đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn với nguồn kinh phí khoảng 5.838 tỷ đồng. Đồng thời với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, phát triển chợ; hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa tại các chợ đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân nông thôn.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương, cả nước có 4.276 xã (48,018%) đạt tiêu chí số 7, tăng 2,16% so với đầu năm 2017. Một số tỉnh/ thành phố có số xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 đạt tỷ lệ cao so với tổng số xã trên địa bàn như: Hồ Chí Minh (100%), Đà Nẵng (100%), Bắc Ninh (97,938%), Thừa Thiên Huế (99,038%). 

Tồn tại, hạn chế

Sáu tháng đầu năm cả nước đã đạt được những kết quả khả quan về tiêu chí số 7 và tiêu chí số 4, tuy nhiên cũng còn rất nhiều những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: Hầu hết các hộ dân nông thôn chưa có điện trên địa bàn cả nước đều ở những vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt và chưa có đường giao thông chính. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều khó khăn.

Do nguồn vốn ngân sách của các địa phương còn hạn chế nên chỉ hỗ trợ đầu tư lưới điện trung thế nông thôn. Về đầu tư lưới điện hạ thế, UBND cấp huyện và người dân được thụ hưởng tự nguyện góp vốn để đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư các công trình lưới điện hạ thế này còn gặp nhiều hạn chế vì người dân tại các khu vực này kinh tế còn rất khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp và là người dân tộc thiểu số...  

Công tác đầu tư xây dựng chợ nông thôn triển khai thực hiện chậm do hiệu quả đầu tư thấp, khả năng huy động sức dân đóng góp rất hạn chế, ngân sách địa phương không có nguồn kinh phí để hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ. Bên cạnh đó, một số địa phương không có quỹ đất công, phải thực hiện giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng chợ, việc thực hiện giải tỏa, di dời các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ rất khó khăn, phức tạp.

Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ còn hạn chế do tình hình nhân lực quá ít, cán bộ tuyến xã, phường kiêm nhiệm nhiều chương trình cùng lúc và phần đông chưa đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu tính hệ thống, chưa thực sự gắn kết để phối hợp triển khai thực hiện.  

Nhận thức của một bộ phận cán bộ trong ban quản lý chợ và bà con tiểu thương kinh doanh trong chợ còn hạn chế, không muốn thay đổi, sợ mất quyền lợi, do đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyển đổi hình thức quản lý kinh doanh, khai thác chợ…

Các nhiệm vụ cần tập trung để đạt kế hoạch năm 2017

Mục tiêu hết năm 2017 cả nước có 7.090 xã (79,38%) đạt chuẩn tiêu chí số 4, tăng 3,63% so với đầu năm 2017 và có 4.707 xã (52,86%) đạt chuẩn tiêu chí số 7, tăng 4,84 % so với đầu năm 2017. Để đạt kế hoạch đề ra, các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của Chương trình; nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời tuyên truyền, phổ biến, biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình, những cách làm hay, mô hình tiên tiến thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn, công tác chuyển đổi hình thức quản lý chợ tại các địa phương trong thực hiện tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, công tác hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương góp phần làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thức sản xuất tại các địa phương.

Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đánh giá tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 cho các địa phương trong cả nước, đảm bảo việc thực hiện theo dõi, đánh giá các tiêu chí được thống nhất và hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc triển khai Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 tại một số địa phương để hướng dẫn, theo dõi, nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 để kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng cường lồng ghép các chương trình, kế hoạch thuộc nhiệm vụ Bộ Công Thương (khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại quốc gia…) với Chương trình, có ưu tiên cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí về nâng cao thu nhập bình quân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, thu thập thông tin về thị trường các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn trong và ngoài nước theo định kỳ để phổ biến, giúp người nông dân và các doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020…


Cục CTĐP