Năm 2013 đạt 1.126 triệu USD tăng 30% so với năm 2012. 9 tháng đầu năm 2014, con số đạt 964 triệu USD tăng 32% so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng này, kim ngạch thương mại hai nước dự kiến sẽ đạt 1,5 tỷ USD năm 2014 và đạt 2 tỷ USD năm 2015.
Những mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Lào là xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải, phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, than đá, rau quả, hàng dệt may, dây điện và dây cáp điện. Trong đó, nổi bật là xăng dầu và sắt thép chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Lào với năm 2011 là 42,4%, năm 2012 là 49%, năm 2013 là 45,58%, 9 tháng năm 2014 là 41,51%. Hàng nhập khẩu từ Lào chủ yếu là gỗ và các sản phẩm gỗ, chiếm khoảng 65-70% kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Lào.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa Việt Nam tại Lào còn rất khiêm tốn, chưa bằng 20% trị giá hàng hóa Lào nhập khẩu từ các nước. Nhịp độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang Lào cũng không ổn định, năm 2011 tăng 38,1%, năm 2012 tăng 53,7% nhưng năm 2013 chỉ tăng có 8,7% và 9 tháng năm 2014 giảm 2,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải chở quá tải qui định làm tăng giá cước vận chuyển. Chính phủ Lào thực hiện các biện pháp nhằm tăng thu cho ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, dừng thực hiện một số các dự án đầu tư công... làm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng về vật liệu xây dựng, sắt thép giảm nhiều.
Ngoài ra, do hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính tại các cửa khẩu giữa hai nước chưa thật sự tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa. Hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam tại Lào cũng chưa được các DN trong nước đầu tư thiết lập nên khó cạnh tranh được với hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc.
Đến nay đã có gần 800 DN, thương nhân Việt Nam tại Lào được cấp phép hoạt động. Các tổ chức của cộng đồng người Việt tại Lào như Hội DN Việt Nam đầu tư tại Lào, tổng hội, thành/tỉnh hội người Việt Nam đã được thành lập hầu hết trên các địa phương cũng là cầu nối tốt cho các DN trong nước đến với thị trường Lào và vươn tới các nước láng giềng của Lào.
Dù vậy, vẫn còn có nhiều thách thức đối với DN Việt Nam tại thị trường Lào.
Thứ nhất, kinh tế Lào tuy đã phát triển mạnh, GDP tăng ổn định trong thời gian dài nhưng nền kinh tế còn nhỏ, kinh tế ở một số địa phương vùng núi vẫn mang tính tự cung tự cấp, lạc hậu, cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển. Luật pháp, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập chưa được sửa đổi kịp thời.
Thứ hai, các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới còn mất nhiều thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Thứ ba, mạng lưới phân phối hàng hoá Việt Nam tại Lào chưa được quan tâm thiết lập như chợ, cửa hàng, siêu thị. Điều này thể hiện tính liên doanh liên kết giữa DN sản xuất với thương mại, giữa các DN thương mại với nhau còn hạn chế, chưa phù hợp với một thị trường qui mô nhỏ, phân tán.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của Bộ Công Thương tại thị trường Lào năm 2014 có vai trò như thế nào cho các DN XK Việt Nam?
Hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam tại Lào đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước, góp phần hiệu quả trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường hiểu biết giữa các doanh nghiệp.
Hội chợ Thương mại Việt-Lào năm 2014 đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm với 250 gian hàng tiêu chuẩn. Trong thời gian diễn ra hội chợ, ước tính có trên 40.000 lượt khách đến tham quan, khoảng 7.000 giao dịch được thực hiện, trong đó khoảng 250 giao dịch có khả năng tiến tới kí kết hợp đồng xuất khẩu, hợp tác kinh doanh, mở đại lý phân phối hàng hóa tại Lào. Tổng giá trị hợp đồng được ký kết ngay tại hội chợ ước đạt 1 triệu USD. Nhiều DN đã tìm được đại lý phân phối, phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Lào.
Tại Lào, đến nay đã có 5 cây cầu được xây dựng qua sông Mê Kông kết nối với Thái Lan tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa, dịch vụ. Khi AEC hình thành, một thị trường rộng lớn được mở ra nhưng DN cũng phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Lào sẽ là thị trường cạnh tranh quyết liệt giữa hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và Thái Lan. Muốn tận dụng được cơ hội, DN cần chủ động khai thác lợi thế so sánh (đặc biệt là các DN ở các tỉnh có chung biên giới với Lào), thay đổi tư duy, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì. Các DN XK, đầu tư sang Lào cần liên doanh, liên kết với các DN Việt Nam đang đầu tư tại Lào, các DN Việt kiều. Đồng thời, tích cực tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng hóa chất lượng, mẫu mã, bao bì, tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng Lào đối với hàng hóa Việt Nam.
Khánh Chi