Tuy nhiên theo quy định, kế hoạch khuyến công quốc gia xây dựng ở địa phương nào thì cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh đó được hưởng. Do vậy, khuyến công Đà Nẵng gặp rất nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ các tỉnh khác triển khai đề án, nhất là việc hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán. Quy định này cũng là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng các địa phương có nhiều huyện và cơ sở sản xuất CNNT phải xếp hàng theo thứ tự ưu tiên, trong khi những địa phương có khả năng như Đà Nẵng lại không có đối tượng thụ hưởng.
Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được ban hành đã mở thêm nội dung hỗ trợ về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (SXSH). Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định về đánh giá SXSH, không quy định nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp sau đánh giá và đào tạo về SXSH cho cán bộ trung tâm khuyến công. Hơn nữa sau 7 năm triển khai, Chiến lược SXSH đến năm 2020 chưa có đánh giá cụ thể về mục tiêu, hiệu quả. Đối tượng và phạm vi thụ hưởng bó hẹp khiến các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất khó triển khai thực hiện.
Trước thực trạng đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị: Trung tâm khuyến công của các tỉnh, thành phố có khả năng hỗ trợ đầu tư, tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở của địa phương khác thì các cơ sở đó được hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công như quy định hiện hành. “Đề xuất này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu đối tượng thụ hưởng mà còn là giải pháp thắt chặt hơn nữa mối liên kết vùng miền trong hoạt động khuyến công”, bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đồng tình với các đề xuất trên, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương bày tỏ: Nghị định 45/2012/NĐ-CP có quy định về nội dung SXSH, tuy nhiên hoạt động thực tế mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đánh giá SXSH, còn hoạt động hỗ trợ ứng dụng kết quả đánh giá vào sản xuất để phát huy hiệu quả thì chưa có. Việc áp dụng nguyên bản theo quy định của Bộ Công Thương về hướng dẫn đánh giá, quy trình nghiệm thu, hình thức triển khai khá phức tạp, gây khó cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Để khắc phục những khó khăn trên, Cục CNĐP đã thí điểm áp dụng mô hình đánh giá SXSH 1 cấp và giao cho Đà Nẵng triển khai. Theo đó, Sở Công Thương Thành phố lập hội đồng và tổ chức nghiệm thu cơ sở theo quy định chứ không đánh giá theo 2 cấp. Trên cơ sở kết quả thí điểm, đánh giá về sự phù hợp trong cơ chế nghiệm thu, thuận lợi trong triển khai Cục sẽ phối hợp với các địa phương đưa nội dung này vào các văn bản được sửa đổi trong năm 2017.
Với đề xuất về liên kết đối tượng thụ hưởng, ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực quan tâm, phối hợp với Đà Nẵng triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất. Giới thiệu tới doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn sử dụng thiết bị do Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng sản xuất nhằm tăng cường sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước và tăng cường liên kết vùng.
Phạm Kim