Nếu có dịp đến thăm làng nghề Cổ Hoàng trong những ngày giáp tết sẽ được chứng kiến cảnh tượng tất bật, hối hả chuẩn bị hàng tết ở đây. Bước chân tới đầu làng đã thấy ngạt ngào mùi hương thơm của bỏng nếp, lạc rang và đường đun nóng chảy cùng hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc biệt cho sản phẩm làng quê. Hiện nay, kẹo lạc, kẹo dồi Cổ Hoàng không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình mà còn được dùng như những món quà biếu ý nghĩa nhằm lưu giữ nét cổ truyền cho ngày xuân thêm đậm đà, ý nghĩa.
Làng nghề bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng hiện có 87/163 hộ tham gia làm nghề. Những năm gần đây, giá trị sản xuất từ nghề làm bánh kẹo của Cổ Hoàng luôn chiếm trên 68% so với tổng giá trị sản xuất của làng, đạt trên 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt trên 36 triệu đồng/năm. Cũng là công thức như ở nhiều làng quê khác sản phẩm của làng Cổ Hoàng luôn giữ được hương vị đặc trưng riêng. Ngay từ khâu đầu vào của nguyên liệu. Phải chọn lạc loại 1, nhặt bỏ những hạt không đảm bảo chất lượng và phân ra làm 3 loại to, nhỏ, vừa rồi mới rang. Riêng rang lạc cũng phải có kinh nghiệm, rang non quá lạc sẽ hôi, lạc chín kỹ quá thì cháy mất ngon. Tất cả những điều này cần cái tâm và sự chỉn chu của người thợ.
Việc đun đường nóng chảy và pha nha cũng rất quan trọng và là yếu tố tạo hương vị riêng cho làng kẹo Cổ Hoàng, ban đầu là cảm giác giòn tan cộng với vị ngậy, thơm của lạc khi đã ăn thì không thể nào quên. Vừa qua, kẹo lạc, kẹo dồi Cổ Hoàng đã được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế Hà Nội công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn về độ an toàn thực phẩm. Thời bao cấp trước đây, nhiều người thợ làng nghề Cổ Hoàng đã đi khắp mọi nơi tìm kế sinh nhai và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Ngày nay, những người con làng nghề Cổ Hoàng đang phát triển nghề làm kẹo dồi, kẹo lạc và tạo ra thương hiệu, thị trường rộng khắp. Xã Hoàng Long cũng đã có nhiều chính sách đối với nghề truyền thống kẹo lạc, kẹo dồi Cổ Hoàng như ưu tiên về vốn vay để mở rộng mặt bằng, quy mô sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm và tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở cùng các hộ làm nghề xây dựng thương hiệu.
Những năm trước, nghề làm bánh kẹo truyền thống của làng hoàn toàn làm thủ công và chỉ được bán tại các phiên chợ quê. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong làng đã đầu tư mua máy móc hiện đại vào các công đoạn nhào nha, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động và giảm tiếp xúc trực tiếp vào quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh. Các cơ sở sản xuất đã quan tâm ghi nhãn mác sản phẩm thời hạn sử dụng, ghi rõ địa chỉ sản xuất nhằm thể hiện trách nhiệm của mình về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng. Người dân trong làng nghề luôn có ý thức giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất của mình. Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn tại làng nghề đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Số hộ làm ăn khá giả ngày một tăng lên. Bộ mặt của làng xã ngày càng đổi mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng nghề Cổ Hoàng không ngừng được cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Sự kiện Cổ Hoàng được công nhận làng nghề truyền thống sẽ tạo tiền đề cho làng nghề phát triển. Tuy nhiên, hiện làng nghề còn nhiều khó khăn: Quy mô sản xuất của các cơ sở làng nghề còn nhỏ nên gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất; làng nghề chưa có trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm để thu hút khách thập phương đến tìm hiểu và mua sắm sản phẩm của làng nghề. Nếu được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành thì chắc chắn bánh kẹo Cổ Hoàng sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Khánh Ngọc