Việc này không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho cộng đồng, giúp sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn khẳng định thương hiệu các sản phẩm này trên thị trường thế giới.
Trong khi hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam thì hiện nay lại có tới hơn 90% lượng hàng này xuất khẩu phải mang thương hiệu của nước khác. Chính vì vậy, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) cho các thương hiệu Việt tại các thị trường nước ngoài đang ngày càng trở nên cấp thiết để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như quảng bá các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ nền sản xuất trong nước.
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định, chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho nông sản không chỉ giúp đem lại hiệu quả cho thương mại mà còn có thể giải quyết nhu cầu về an toàn thực phẩm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời GI góp phần phát triển văn hóa nông thôn cũng như văn hóa quốc gia. Tại Việt Nam, hiện đã có 35 sản phẩm được đăng ký chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra còn có khoảng 1.000 sản phẩm có khả năng đăng ký GI.
Còn theo Bộ Công Thương, GI là công cụ phát triển thị trường. Các sản phẩm GI sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và đương nhiên có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không có GI. Bên cạnh đó, GI còn là công cụ chống lại hàng nhái, hàng giả. Thực tế cho thấy, các chương trình bảo hộ có tác động kinh tế - xã hội tích cực và quan trọng đối với nhiều vùng nông nghiệp và nông thôn xa xôi, nơi phần lớn các sản phẩm này được sản xuất và chế biến.
Theo thống kê của Liên minh châu Âu, hiện nay có khoảng 2.768 sản phẩm tại khối này có đăng ký GI, trong đó có đến 82% là nông sản và thực phẩm và tiêu thụ nội khối chiếm khoảng 20%.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, việc đăng ký GI hiện vẫn còn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nhiều nơi cố gắng được cấp chứng nhận GI, nhưng lại không phát triển được trong các hoạt động thương mại. Tại nhiều địa phương, hoạt động này còn mang tính phong trào, dẫn tới các chứng nhận GI chưa phát huy hết hiệu quả, thậm chí, phản tác dụng, gây tốn kém.
Hùng Lê