Nhiều địa phương trong cả nước tiến hành chương trình hành động nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân, trong đó chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao nông trí được đánh giá là một trong những bước đi chiến lược trong phát triển nông nghiệp và nông thôn mới mà An Giang là một điển hình.
Hiệu quả từ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Có thể nói nông dân là chủ thể của tam nông, gắn liền với phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới vì vậy vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nông dân rất cần được quan tâm. An Giang là tỉnh nông nghiệp có sản lượng lúa dẫn đầu cả nước, với 73% lao động ở nông thôn chuyên sống bằng nông nghiệp, lực lượng nông dân đã góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, hướng tới chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Trong những năm qua, An Giang đã chú trọng đến việc đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nông thôn với những kết quả nhất định.
Ông Thái Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội An Giang, cho biết trong 5 năm qua (2006- 2010), toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 90.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 12,85% (2006) lên 20,33% (2010) và giải quyết việc trên 136.000 lao động trên tất cả các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó, cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, tỉnh An Giang có 136 xã, thị trấn đều có Tổ công tác thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020”. Năm 2010 vừa qua toàn tỉnh tổ chức được 418 lớp dạy nghề cho 11.150 người, đạt 111,5% kế hoạch năm, với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Trong đó, có gần 3.500 lao động học nghề nông nghiệp (chiếm 32%), còn lại 7.500 lao động học nghề phi nông nghiệp (chiếm trên 68%). Kết quả, có 10.780 lao động nông thôn hoàn thành khóa học và trên 73% có việc làm sau nghề.
Tính đến giữa tháng 8/2011, toàn tỉnh tổ chức 470 lớp dạy nghề cho hơn 13.000 học viên (nông nghiệp có trên 4.430 người và phi nông nghiệp có trên 8.600 người), đạt trên 100% kế hoạch năm 2011. Dự kiến cả năm 2011 An Giang sẽ hoàn thành việc tổ chức trên 500 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 13.000 học viên lao động nông thôn và phấn đấu tối thiểu có trên 75% số lao động sau khi học nghề có việc làm.
Đến nâng cao nông trí
Có diện tích đất canh tác và sản lượng lúa lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 3,6 triệu tấn lúa hàng hóa/năm và cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác lúa, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, do vậy, việc dạy nghề và huấn luyện kỹ thuật vào lĩnh trồng lúa được An Giang chú trọng hơn bao giờ hết. Được sự chuyển giao chương trình huấn luyện “Kỹ năng chọn- tạo giống lúa cộng đồng” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, hoạt động sản xuất và cung cấp giống lúa ở An Giang từng bước phát triển. Tính đến năm 2010, An Giang có 221 tổ (3.429 nông dân) sản xuất trên 14.000 ha và cung cấp giống lúa cho 90% diện tích sản xuất, được các Viện, Trường đánh giá là tỉnh có phong trào sản xuất giống lúa mạnh nhất khu vực ĐBSCL và đang hướng tới “thương mại hóa” giống lúa. Ngoài ra, hiện nay nông dân An Giang đang hướng tới việc trồng lúa theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, cơ giới hóa sản xuất lúa đã ứng dụng rộng rãi từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sấy, bảo quản và chế biến gạo…
Bên cạnh đó, An Giang cũng tiến hành phối hợp với Trường doanh nhân PACE tổ chức “Chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị sản xuất- kinh doanh dành cho nông dân tiêu biểu, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp tại An Giang” nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển một thế hệ nông dân mới cho một nền nông nghiệp mới, góp phần đào tạo nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp có năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Ông Giản Tư Trung- Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho biết, xu hướng hiện nay thì nông dân không chỉ phải có kỹ thuật trong nuôi trồng mà còn có kiến thức về thị trường, hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm mới có thể đạt lợi nhuận cao nhất. Trên cơ sở những kết quả thu được từ chương trình đào tạo thí điểm tại An Giang sẽ tiến hành nhân rộng ra các tỉnh vùng ĐBSCL như một bước đi chiến lược trong phát triển nông nghiệp- nông thôn mới. Ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, chương trình được xây dựng phải đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học, chú trọng công tác nghiên cứu thực tiễn, nặng tính kỹ năng, thực hành… Sở dĩ chọn An Giang để làm thí điểm đầu tiên bởi địa phương này thời gian qua có hoạt động khuyến nông rất tốt với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ những định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động và thế mạnh kinh tế nông nghiệp. An Giang xác định cần phải tập trung đào tạo cho nông dân những kiến thức về sản xuất và nuôi trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu; tập trung chuyển giao và khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản và chăn nuôi. Để làm được việc này ngành nông nghiệp phải thường xuyên mở những lớp tập huấn trung và dài hạn cho nông dân, tăng cường công tác khuyến nông để nông dân dễ dàng tiếp cận những tiến bộ khoa học để vận dụng vào sản xuất, tăng cường phối hợp với các viện, trường để đào tạo những kỹ sư nông nghiệp giỏi nhằm đến tận nơi sản xuất hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhất là công nghệ sinh học.../.
Hải Anh