Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên các ngành kinh tế nước ta, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã công nghiệp nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phát triển chậm. Nhiều cơ sở phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số dự án đầu tư phải dừng hoặc dãn tiến độ đầu tư.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tập trung nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thoát khỏi khó khăn, đứng vững và tiếp tục phát triển.

Hoạt động khuyến công đã có chuyển biến mạnh
Theo báo cáo của Cục CNĐP, tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công năm 2009 là 152,9 tỷ đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 72,2 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2008); kinh phí khuyến công địa phương là 80,7 tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm 2008). Năm qua, công tác khuyến công đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo nâng cao tay nghề gắn với giải quyết việc làm cho 79.643 lao động, tăng 31% so với năm 2008; Đào tạo khởi sự doanh nghiệp và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý doanh nghiệp 6.970 người, tăng 13,3%; Hỗ trợ tổ chức 38 hội thảo, hội nghị chuyên môn; Hỗ trợ tổ chức 30 đoàn tham quan học tập khảo sát kinh nghiệm phát triển công nghiệp nông thôn, tăng 65%; Hỗ trợ tổ chức xây dựng được 214 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến cho 255 cơ sở công nghiệp nông thôn, tăng 13,6%; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 32 cụm công nghiệp, tăng 640% so với năm 2008. Ngoài ra nhiều nội dung hoạt động khuyến công khác như hỗ trợ tư vấn cung cấp thông tin, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, hỗ trợ thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề, tổ chức xét công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp, xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏỉ… cũng được hết sức quan tâm, chú trọng triển khai. Hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; các mô hình có tính trọng tâm, trọng điểm; Công tác theo dõi, kiểm tra, thống kê, đánh giá được củng cố và tăng cường. Tổ chức hệ thống khuyến công được củng cố và có sự kết nối ngày càng hiệu quả. Công tác tuyên truyền ngày càng được chú trọng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ cho 9 cơ quan truyền thông với tổng kinh phí là 1,633 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng kinh phí, các địa phương cũng hỗ trợ 3,769 tỷ đồng (chiếm 5,45% tổng kinh phí khuyến công) cho các đơn vị tuyên truyền về công nghiệp nông thôn, công tác khuyến công.

Vẫn còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động khuyến công cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể: Hiện nay mới có khoảng gần 50% hoạt động của chương trình khuyến công theo quyết định 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện. Công tác xây dựng chương trình, đề án để xét giao kế hoạch kinh phí, tổ chức thực hiện chương trình và thanh quyết toán kinh phí khuyến công nhìn chung còn chậm so với tiến độ và yêu cầu. Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia dẫn đến chất lượng đề án còn thấp, có đề án không đúng nội dung chương trình, không xét giao kế hoạch được. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công ở địa phương còn chậm. Hiện nay vẫn còn 23/63 tỉnh, thành phố chưa xây dựng và phê duyệt chương trình khuyến công của địa phương. Công tác kiểm tra giám sát thực hiện các chương trình, đề án khuyến công chưa thường xuyên. Công tác tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho bộ máy chuyên trách hoạt động khuyến công các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đội ngũ làm công tác khuyến công vừa thiếu vừa yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn rất thiếu.
Sáu giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công năm 2010

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của ngành năm 2010 phải tăng 12% so với năm 2009, Bộ Công Thương đã giao kế hoạch tổng kinh phí khuyến công năm 2010 là 180 tỷ đồng, tăng 11,2 % trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia 80 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương 100 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, Bộ Công Thương chỉ đạo trong năm tới phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; Triển khai thành lập Trung tâm khuyến công 2 nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại khu vực này; Tăng cường kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục CNĐP và các Trung tâm Khuyến công.

Theo đó các giải pháp cần tập trung là:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương năm 2010 đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch kinh phí khuyến công được phê duyệt, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, kết quả và tiến độ thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng, thu hút sự chú ý, làm cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nắm được các chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia chương trình. Đặc biệt là làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn biết được chính sách và nội dung hoạt động của chương trình khuyến công, từ đó tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, qua đó góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
3. Nghiên cứu các giải pháp huy động bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước đối với công tác này.
4. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục Công nghiệp địa phương và các Trung tâm Khuyến công địa phương. Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu thực tế của một số địa phương để xây dựng phương án tổ chức bộ máy, mạng lưới khuyến công các cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
5. Các Sở Công Thương cần sớm xây dựng đề án, dự án trình UBND cấp tỉnh, thành phố từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện đi lại đáp ứng cho thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm khuyến công địa phương.
6. Trong năm 2010 cần tập trung làm tốt công tác tổng kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn đến năm 2012. Qua đó xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2004/NĐ-CP phù hợp với tình hình hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới.
 

Khánh Chi