Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, đời sống của người dân còn gặp không ít khó khăn, công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển… Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác khuyến công của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể nhằm khuyến khích kịp thời và huy động được các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến các sản phẩm là thế mạnh của địa phương. Ví như, hộ kinh doanh Nguyễn Khắc Chí ở huyện Bắc Quang đã được Trung tâm khuyến công hỗ trợ để trình diễn mô hình sản xuất gỗ ván bóc với tổng công suất 1.200 m3/năm. Hiện mô hình đã hoạt động ổn định và tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng /tháng. Theo ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công Hà Giang, hoạt động khuyến công đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở CNNT. Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi biên giới như Hà Giang có địa bàn trải dài thì việc triển khai công tác khuyến công cũng gặp rất nhiều khó khăn và không hề đơn giản.
Với mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, Trung tâm khuyến công và xúc tiến Công Thương Hà Giang đã hỗ trợ các hợp tác xã trong công tác đào tạo nghề theo chương trình khuyến công quốc gia. Qua công tác đào tạo nghề đã giúp cho các xã viên nâng cao tay nghề, từ đó làm ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Tày, Dao, H’Mông, Pà Thẻn… đã có từ lâu đời và được truyền từ đời này sang đời khác, nhưng hiện nay đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Để phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, năm 2013 Trung tâm đã hỗ trợ các hợp tác xã đào tạo nâng cao tay nghề, giúp cho các xã viên các hợp tác xã nâng cao giá trị qua từng sản phẩm bởi bàn tay khéo léo của người thợ dệt. Đối với thế hệ trẻ thì việc học nghề không chỉ giúp họ nâng cao tay nghề mà còn nhằm mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nó thực sự có ý nghĩa trong việc bảo tồn nghề truyền thống của địa phương. Bà Vàng Thị Mai, chủ nhiệm HTX Hợp Tiến, Quản Bạ cho biết: Hiện nay các xã viên đều có tay nghề và nhờ Sở Công Thương và Bộ Công Thương giúp đỡ thì nhiều người có công ăn việc làm. Họ lên đây dạy nghề và nhiều người đã có nghề rồi thì có thể dệt, thêu ở nhà thành sản phẩm rồi nộp cho Hợp tác xã và họ có tiền và có đời sống đảm bảo.
Không chỉ khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ CNNT mạnh dạn đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất của người lao động, tạo việc làm cho lượng lớn lao động khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Trung tâm còn hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hàng hóa mà sản phẩm là nhu cầu thiết yếu của bà con các dân tộc. Tấm lợp tôn ba lớp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Á là một ví dụ điển hình về công tác này. Tấm lợp do Công ty sản xuất đang dần được bà con dùng để thay thế tấm lợp Fibro-ximăng nhằm tận dụng nguồn nước sạch từ những cơn mưa hiếm hoi trong mùa khô hạn.
Trong những năm qua, công tác khuyến công và xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp; động viên và huy động các nguồn lực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng theo Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến Công Thương Hà Giang thì để tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp nhận nhiều hơn nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công, năm 2014 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy định quản lý kinh phí khuyến công và Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 - 2016, nhằm đảm bảo cho công tác khuyến công trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, hỗ trợ đúng định mức và ổn định. Từ đó khuyến công Hà Giang sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh của địa phương và các đề án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Hoạt động khuyến công Hà Giang đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và tạo điển hình để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở CNNT của Hà Giang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế nên rất khó để đầu tư phát triển sản xuất. Mỗi huyện đều có đề án điểm nhưng do các cơ sở phân bố rải rác nên chưa mang tính tập trung cao. Kinh phí hỗ trợ cho khuyến công từ ngân sách địa phương còn thấp và thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được các cơ sở tham gia.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận tốt hơn nguồn kinh phí khuyến công năm 2014, khuyến công Hà Giang sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các ngành nghề có lợi thế của địa phương. Đặc biệt, tiếp tục ưu tiên cho các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Lê Hùng (ARID)