Nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế đối với việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, phát triển bền vững các doanh nghiệp (DN) ngành Thủ công mỹ nghệ đã nỗ lực không nhỏ, san sẻ nguồn lực đầu tư nghiên cứu, phát triển mẫu sản phẩm.Thủ công mỹ nghệ vốn được đánh giá là mặt hàng “một vốn bốn lời” khi thu về tới 70 - 80% giá trị xuất khẩu.


Đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12%/năm, những năm qua ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể về cho đất nước. Năm 2013, với giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 1,5 tỷ USD, ngành Thủ công mỹ nghệ tiếp tục ghi tên vào nhóm ngành hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.Một trong những nguyên do giúp ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam được đạt mức tăng trưởng ấn tượng là các DN trong Ngành đã phần nào ý thức được và đầu tư cho thiết kế, phát triển sản phẩm mới.

 

Chia sẻ về điều này, ông Đinh Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CIC Việt Nam khẳng định: Thiết kế đóng một vai trò rất quan trọng trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Nếu như 15 năm trước chúng ta cạnh tranh bằng giá thì hiện nay đang cạnh tranh bằng mẫu sản phẩm. Bản thân CIC, hàng năm chúng tôi dành từ 10-15% lợi nhuận đầu tư cho phát triển mẫu thiết kế.Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gốm sứ sang Nhật Bản và các nước EU, bà Vũ Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Ấn Độ, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội cũng cho rằng: Có thể nói thiết kế giữ vai trò sống còn trong việc thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Canada… Chúng tôi không có khả năng xây dựng khâu thiết kế chuyên nghiệp tại công ty nhưng chúng tôi đã liên kết, hợp tác với các trung tâm, nhà thiết kế để tạo ra sản phẩm mới theo mùa.“Thủ công mỹ nghệ là mặt hàng đặc biệt, việc tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ ngày nay chủ yếu là về mặt văn hóa.

 

 Khách hàng muốn thưởng thức cái đẹp của nguyên liệu thiên nhiên, nghệ thuật thủ công, thưởng thức giá trị văn hóa được lồng trong sản phẩm cho nên đối với hàng thủ công thiết kế trở thành yếu tố sống còn…” bà Tú nhấn mạnh.Có thể thấy, thiết kế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành Thủ công mỹ nghệ, bản thân các DN cũng đã nhìn nhận ra điều này. Thế nhưng không phải là không có ngoại lệ vẫn có những DN chấp nhận làm gia công, “nhào nặn” những mẫu cũ làm ra những sản phẩm giá trị thấp.

 

Theo ông Vũ Hy Thiều, thành viên Ban cố vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hầu hết những DN chưa chú trọng tới thiết kế, không phải vì họ không nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế mà bởi tiềm lực của họ quá yếu. Họ không có đủ khả năng đầu tư và duy trì nhóm thiết kế chuyên nghiệp tại DN của mình. Bên cạnh đó, cũng còn một số DN nhìn nhận vấn đề thiết kế còn quá đơn giản, chỉ là thay đổi hình dáng của sản phẩm mà chưa chú ý tới thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng sản phẩm, theo đó chưa có sự đầu tư đúng mức cho thiết kế.

 

Ông Thiều cũng cho biết, phát triển thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải là vấn đề đơn giản, ngoài tiềm lực về vốn còn rất cần đến yếu tố con người. Nếu không có một đội ngũ thiết kế đủ mạnh, được đào tạo bài bản, được tiếp xúc với thị trường thủ công mỹ nghệ thế giới thì cho dù có đầu tư mạnh tay tới đâu cũng khó có thể tạo ra được sản phẩm tốt.

 

Thiết kế mẫu sản phẩm là vấn đề nan giải của ngành Thủ công mỹ nghệ nhiều năm nay. Phát triển khâu thiết kế đòi hỏi nhiều vấn đề từ tiềm lực tài chính, nhân lực đến khả năng định hướng thị trường… Những yếu tố này thực sự vượt quá khả năng của nhiều DN, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn DN ngành thủ công mỹ nghệ là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Do vậy, sự ủng hộ của nhà nước thông qua các chính sách khuyến khích, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, các hoạt động xúc tiến thương mại… là rất cần thiết.

 

Phạm Kim