Sáng 20.4, trong các hoạt động nhân Ngày Thương hiệu quốc gia (20.4), Bộ Công Thương, Hội đồng thương hiệu quốc gia đã tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với Truyền thông và Cộng đồng”.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thương hiệu quốc gia, Ngày Thương hiệu Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhằm ghi nhận công lao của các doanh nghiệp, đồng thời động viên, khích lệ doanh nghiệp vươn lên tiếp tục đạt được nhiều thành quả trong xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh.

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) giao cho Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, phối hợp với các Bộ/ngành triển khai. Chương trình được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong điều kiện nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, Bộ Công Thương, cơ quan trực tiếp thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại – Ban Thư ký Chương trình đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp trong nhiều hoạt động của Chương trình, quy tụ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm đưa hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam tương xứng với vị thế mới của đất nước.


Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông nên ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chương trình THQG đã ký kết thỏa thuận hợp tác với những đối tác truyền thông hàng đầu Việt Nam như Đài Truyền hình VN (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Thời báo Kinh tế VN, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Báo Công Thương… để thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.


Đồng thời. với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, báo chí đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới. Báo chí cũng kịp thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.


Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mục đích của việc xây dựng thương hiệu quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập. “Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế là có triển vọng. Song phải có thời gian, phải có lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm; vừa bằng sự hỗ trợ của nhà nước, các bộ ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi DN, các hiệp hội ngành hàng, mới tạo ra bước đột biến”. Đây cũng chính là thông điệp được Diễn đàn Thương hiệu quốc gia muốn chuyển tải.


Đánh giá về vai trò của công tác tuyên truyền đối với phát triển hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Bùi Thế Đức- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn và nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp.


Theo ông Bùi Thế Đức, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Hơn thế, nhiều người nước ngoài không biết hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam.


Không dừng lại ở đó, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa. Không những thế, hàng hóa Việt Nam vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nước ngoài hay bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới.


Để phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia, ông Bùi Thế Đức cho rằng, vai trò công tác thông tin tuyên truyền thời gian tới cần được các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn.
 

 

Nguồn: Laodong.com.vn