Thành phố Đà Nẵng, đầu tàu kinh tế của miền Trung vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh. Tổng sản phẩm xã hội (GDP) ước tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.840,9tỷ đồng, tăng 18%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 533 triệu USD tăng 50%, trong đó xuất khẩu hàng hóa là 256 triệu USD; tổng lượt khách đến tham quan du lịch 6 tháng đầu năm đạt 880,1 ngàn lượt người tăng 38% so với cùng kỳ 2009. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 4.642 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 9.503 tỷ đồng, tăng 63,3%. Trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng cấp phép mới 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 29,8 triệu USD và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm trên 57 triệu USD.
Tuy các chỉ tiêu đều tăng trưởng nhưng so với kế hoạch đề ra phần lớn chưa đạt 50% kế hoạch năm, vì vậy trong 6 tháng cuối năm 2010, Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp lớn, tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đi đôi với yêu cầu tăng vốn thực hiện nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 12 đến 13%;
Tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đang thực hiện kết luận của Bộ Chính Trị, sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt cao so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,96%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 27%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.374,6 tỷ đồng/kế hoạch 2.750 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.662 tỷ đồng/ kế hoạch 9.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 101,24 triệu USD; du lịch tăng khá, với gần 800.000 lượt khách trong đó có 335,5 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 8,3%, doanh thu du lịch xã hội ước đạt trên 1.750 tỉ đồng.
Tình hình đầu tư của Thừa Thiên Huế vẫn tạo sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 6 tháng đầu năm 2010 đã cấp mới 39 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án FDI, với tổng số vốn 48,403 triệu USD và 1.329,4 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 6 dự án với tổng vốn đăng kí trên 931,6 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn đầu tư 2 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp lên 54 dự án, trị giá 4.892 tỷ đồng, trong đó có 49 dự án đã đi vào hoạt động, góp 53,5 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. 11 cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã thu hút được 59 dự án đầu tư…
Tuy nhiên nhìn nhận lại thấy rằng, hạn chế của Thừa Thiên Huế là chất lượng sản phẩm công nghiệp chưa cao, cơ cấu sản xuất kinh doanh chậm chuyển dịch, sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng dịch vụ thấp…Vì vậy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn lại, ưu tiên hàng đầu của Thừa Thiên Huế là tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất khẩu; lập hẳn một đề án (kế hoạch 34) đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu năm 2010… nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP vào cuối năm, trên 12%
Tỉnh Khánh Hòa, thành phố biển của miền Trung, cửa ngõ lên Tây Nguyên cũng có những phát triển đầy ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.947 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt 831,9 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 306,1 triệu USD, tăng 56,2%; tổng thu ngân sách đạt 4.212,2 tỷ đồng, tăng gần 34,1%...
Về lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2010 toàn tỉnh có 71 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tống vốn đăng ký 689,6 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm ước đạt 7.250 tỷ đồng, tăng hơn 91,5%...
Tuy nhiên hạn chế như Khánh Hòa tự đánh giá là còn khá nhiều, như tốc độ thực hiện để đưa vào sản xuất, kinh doanh các dự án lớn trên địa bàn tỉnh còn chậm; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện tự nhiên của tỉnh; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trên một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, chưa có giải pháp khắc phục…
6 tháng còn lại, Khánh Hòa tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; cải cách thủ tục hành chính; có nhiều giải pháp thu hút đầu tư để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2010
Tỉnh Bình Định có khó khăn hơn nhưng tổng sản phẩm địa phương vẫn ước đạt 4.364 tỷ đồng, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 13,91%; dịch vụ tăng 13,39%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 1.187 tỷ đồng, tăng 6,4% .
Hay Quảng Bình, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 4.280 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch và tăng 27% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 36,3 triệu USD, bằng 52% kế hoạch và tăng 96,5% so với cùng kỳ... Tuy nhiên từ sản phẩm xuất khẩu đến thị trường đều thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Cả hai địa phương Bình Định và Quảng Bình đều dự báo, 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, để thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch phải có những giải pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể; đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt theo kế hoạch; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ, thu hút đầu tư… để hoàn thành kế hoạch năm 2010.
Quảng Trị với lợi thế hành lang kinh tế Đông Tây nên 6 tháng đầu năm 2010 cũng có nhiều chuyển biến. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,1%, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 16,5%; dịch vụ tăng 8,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 438,2 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch cả năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,22 triệu USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,72 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2009. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Công tác quản lý nhà nước công khai, minh bạch, xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, củng cố lòng tin của nhân dân, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2010, Quảng Trị nhìn nhận rằng tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp hơn so với kế hoạch; tình hình thu hút đầu tư đang chững lại, số dự án và vốn đăng ký thấp; tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư từ NSNN còn chậm; hiệu lực quản lý Nhà nước chưa mạnh... Vì vậy Quảng Trị đề ra nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong 6 tháng cuối năm của tỉnh là khắc phục, tháo gỡ khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, kích thích phát triển kinh tế; Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể; không để lạm phát cao, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 11-12%.
Với những bước đi và giải pháp thích hợp, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gỡ rối xuất khẩu; tích cực mở rộng thị trường; kết hợp với đẩy mạnh các chương trình trọng điểm; chú trọng công tác kích cầu, phát triển doanh nghiệp… chắc chắn các tỉnh miền Trung sẽ về đích 2010 ấn tượng, bền vững.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử