Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay dưới chân thắng cảnh kỳ vĩ Ngũ Hành Sơn về phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, cách phố cổ Hội An khoảng gần 20 km. Làng nghề không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là nguồn thu lợi đáng kể tạo ra từ những sản phẩm đang rất được ưa chuộng trong nước và trên thế giới.


Tự hào một làng nghề truyền thống

Theo người dân sinh sống lâu đời ở đây cho biết, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Non Nước có cách đây gần bốn thế kỷ. Ông tổ của nghề này là một người quê gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá ở xứ Thanh vào Đà Nẵng. Ban đầu, số người biết nghề làm đá không nhiều. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá. Rồi dần dần những sản phẩm mỹ nghệ bằng cẩm thạch từ chân núi Non Nước cứ chu du khắp nơi, làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng từ đó mà nổi tiếng không ngừng.

Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật, không chỉ điêu khắc văn bia mà còn tạo tác các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các linh vật Long, Lân, Quy, Phượng, các Phật Thánh Tiên Thần mang tính chất văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tại các đền, chùa, lăng, miếu. Tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, hay mai, lan, cúc, trúc... Qui mô sản xuất của làng nghề ngày càng được mở rộng, thu hút hàng ngàn lao động có tay nghề khá. Nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Nhiều sản phẩm được lưu truyền từ đời này sang đời khác Mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cẩn mẩn. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện một tình yêu vô định với những tảng đá vô tri, tình yêu với cái nghề truyền thống bao đời của cha ông. Lúc đầu kỹ thuật chế tác đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn chỉ được đào tạo theo kiểu truyền nghề và chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng dần dần về sau, do nhu cầu phát triển nhiều nghệ nhân đã mở các lớp đào tạo tại chỗ và có những người đã cho con cái theo học các trường đại học mỹ thuật trong nước. Nhiều nghệ sĩ đã chuyên sâu sáng tác kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.

Hiện nay, không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới cũng đã biết đến sản phẩm đá mỹ nghệ của làng nghề truyền thống đá Non Nước. Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Pháp, Canađa, Hà Lan, Mỹ... đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có người mua với trị giá hàng trăm ngàn USD. Sản phẩm của làng nghề trở thành các mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, đóng góp khoản ngân sách đáng kể vào tiềm năng kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Những điều bất cập

Hiện nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có hơn 20 doanh nghiệp, 430 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ với hơn 4.500 lao động. Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết được việc làm cho nhiều người, đặc biệt là nông dân trên địa bàn bị thu hồi đất với thu nhập bình quân lao động từ 2-3 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã chú trọng đầu tư máy móc thiết bị để giảm bớt sức lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hầu hết là đầu tư thiết bị ở công đoạn phôi, thiết kế tạo hình, mài bóng… Việc kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và công nghệ truyền thống luôn được làng nghề quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP. Đà Nẵng, sự phát triển làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn còn mang tính tự phát, các cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa khép kín, thiếu tập trung, thiếu hệ thống thu gom nước thải và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hiện làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Người dân sử dụng axít để tẩy rửa sản phẩm, xả thẳng ra khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng đối với môi trường sinh thái của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường du lịch, cảnh quan đô thị. Tình trạng tranh mua, tranh bán, nhái kiểu dáng, chất lượng sản phẩm bị lai tạp đang làm giảm giá trị sản phẩm và uy tín của làng nghề.

 Bên cạnh đó, nhận thức về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp của nhiều hộ sản xuất kinh doanh tại đây còn rất hạn chế. Làng nghề chỉ mới có logo chung, nhưng chưa có quy chế sử dụng logo này nên tác dụng quảng bá, xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế. Ngoài logo chung của làng nghề, hiện chỉ có một ít cơ sở có đăng ký sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu riêng, logo riêng của mình.Về quy mô sản xuất, làng nghề chỉ phát triển đơn thuần, theo kiểu truyền thống, làm ăn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết với nhau. Hội Làng nghề tuy đã được thành lập nhưng lại đang thiếu nguồn lực nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Nâng tầm làng nghề

Với mục tiêu phát triển làng nghề theo hướng mở rộng và phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống TP Đà Nẵng, trong đó xác định trọng tâm là phát triển làng nghề truyền thống đá Non Nước. UBND Q.Ngũ Hành Sơn cũng đã đề ra định hướng từ nay đến năm 2020 sẽ quy hoạch lại làng nghề theo hướng mở rộng và phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra, giới thiệu mặt hàng với các đối tác trong và ngoài nước; phấn đấu đạt tốc độ tăng sản phẩm bình quân đạt 30%/năm. Trước mắt, UBND Quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch lại làng nghề mới rộng 47 héc ta tại khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải nằm cách xa khu dân cư và khu dân thắng Ngũ Hành Sơn.

Trong tương lai Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn và làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước sẽ được xây dựng thành công viên văn hoá lịch sử. Để dự án sớm triển khai thì yêu cầu di chuyển làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước càng trở nên cấp thiết. Đây là cơ sở để sắp xếp, ổn định sản xuất làng đá gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo xu hướng xây dựng thành phố thân thiện với môi trường. Có như vậy mới đáp ứng nguyện vọng của bà con làng nghề và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Việc cần làm ngay là UBND TP. Đà Nẵng cần có những chính sách sách huy động nguồn lực nhằm mục tiêu xây dựng khu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước trở thành làng nghề sinh thái. Khuyến khích phù hợp cho các doanh nghiệp làng nghề cũng như các chủ cơ sở đầu tư, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bởi vì, môi trường trong làng nghề chỉ có thể giải quyết tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước với từng hộ sản xuất kinh doanh.

 

Khánh Chi