Về nghỉ hưu, ông Hòa không khỏi xót xa khi phải chứng kiến cảnh khung dệt bị nhiều gia đình vứt bỏ, các cánh đồng cói bị bỏ hoang; những sản phẩm làm thủ công đã không thể cạnh tranh được các sản phẩm làm ra từ máy móc công nghiệp. Từ trăn trở, ông quyết tâm không thể để nghề của cha ông bị thất truyền ngay trên quê hương.
Để tìm hướng ra cho nghề dệt chiếu và giúp bà con kiếm sống ngay trên mảnh đất quê hương, ông Hòa bắt đầu cất công đi vào các tỉnh miền Nam, rồi sang cả Trung Quốc để tìm hiểu về công nghệ dệt chiếu công nghiệp. Tiếp đó, ông đi xem các máy móc, nguyên liệu, tham quan các xưởng dệt chiếu để học hỏi kinh nghiệm, rồi nhờ người thân tra cứu, tìm kiếm các tài liệu về nghề dệt chiếu để tham khảo…
Thế rồi xưởng dệt chiếu công nghiệp của ông Hòa cũng được ra đời. Thời gian đầu khi xưởng dệt đi vào hoạt động, ông đã tận dụng tối đa nhân lực trong gia đình tham gia làm, rồi đi tìm thuê những người có tay nghề về để dạy cho công nhân tại xưởng. Dần dần, những chiếc chiếu vừa mịn, vừa đẹp, đều tăm tắp đã được xuất xưởng.
Theo ông Hòa, nếu dệt theo lối thủ công thì một ngày hai người làm khéo cũng chỉ được 2 chiếc chiếu vì mất rất nhiều công đoạn như chọn cói, dập vo, ghim mép…; còn đối với dệt bằng máy móc, cứ 2 lao động có thể dệt trên một máy tối đa được tới 60 chiếc chiếu cói/ngày. Chính vì thế, giá chiếu dệt từ máy cao hơn chiếu dệt từ thủ công từ 15.000 đến 20.000 đồng/đôi. Xưởng chiếu của ông Hòa hiện có hơn 50 lao động thường xuyên. Ngoài ra, xưởng dệt chiếu của ông còn có gần 200 gia đình trong vùng nhận việc về nhà làm. Đặc biệt, có những phần việc đơn giản như nhặt dằm, nhặt cắt cuống, chọn cói đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho những lao động dôi dư ở địa phương.
Đến nay, năng lực của cả 9 máy dệt nhà ông Hòa sản xuất trên 8.000 chiếc chiếu/tháng, nhiều thời điểm vào mùa cưới có thể lên đến 10.000 chiếc/tháng với giá hiện tại gần 200.000 đồng/đôi. Riêng chiếu cói mộc sản xuất ra đến đâu là các cơ sở in hoa trong vùng đến lấy lại đến đấy, đem về in gia công rồi xuất đi các tỉnh. Sau hơn 10 năm đưa công nghệ vào làng nghề truyền thống quê nhà, hiện sản phẩm chiếu cói mang tên “Xuân Hòa” đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vào Nam. Sản phẩm chiếu cói không những được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao mà sản phẩm còn được bình chọn là sản phẩm CNNT cấp Tỉnh, cấp khu vực, rồi đến cấp quốc gia.
Ông Hòa chia sẻ, muốn có được một chiếc chiếu đẹp, trước tiên phải chọn ra được những mớ cói đẹp, không sâu, không nấm, đủ độ dài, các sợi đều nhau. Đồng thời, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp. Chính vì lẽ đó, điều băn khoăn nhất hiện nay của ông là nguyên liệu làm chiếu thường phải vận chuyển từ miền Nam ra. Công vận chuyển nhiều đã làm cho giá chiếu cao, trong khi đó vùng nguyên liệu của địa phương không đủ cung cấp cho các xưởng dệt thủ công trong vùng.
Một số xã trong huyện đã đưa cây cói vào trồng, nhưng chất lượng cói cũng chưa đạt yêu cầu để dệt chiếu bằng máy, sợi chiếu hay bị gẫy, một phần cũng là do người nông dân ở đây chưa có kỹ thuật trồng cói. Hiện nay, ông Hòa đã mở rộng diện tích nhà xưởng ra 1.000m2. Dự kiến trong thời gian tới xưởng sẽ được đầu tư mua thêm máy dệt chiếu, đưa tổng số lên 15 máy, thu hút khoảng trên 100 lao động tại chỗ.
CTV. Bảo Khoa