Hiện trên địa bàn Hải Phòng có 82 doanh nghiệp dệt may, 40 doanh nghiệp giày dép với tổng số lao động lên tới hơn 71.200 người. Trong 10 tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp dệt may sản xuất trên 35 triệu sản phẩm với giá trị khoảng 1.733,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái (dệt giảm 4,1%, may tăng 16,5%). Cũng trong 10 tháng đầu năm, ngành da giày sản xuất hơn 27,1 triệu đôi giày, dép các loại với giá trị khoảng 2.294,8 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 435,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố.
Từ cuối năm 2008, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng, sự bảo hộ mậu dịch gia tăng. Đặc biệt, ngày 7/10/2009, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kéo dài hạn áp thuế chống bán phá giá với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam tối thiểu 15 tháng nữa. Cùng với khó khăn nêu trên, ngành da giày, may mặc còn phải đối mặt với những khó khăn về thủ tục hải quan, tuyển dụng và đào tạo nguồn lao động có trình độ, kỹ thuật, gánh nặng về tăng lương, thủ tục cấp đất…
Trước khó khăn đó, Hải Phòng khuyến khích các doanh nghiệp giữ thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm thị trường mới và hướng vào thị trường trong nước. Các doanh nghiệp cần có bộ phận tư vấn riêng về các thủ tục hải quan, đầu tư công nghệ và thị trường, minh bạch nội dung các thủ tục hành chính, hướng tập trung cao độ để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Đồng thời, UBND thành phố sẽ nhanh chóng xem xét thông qua quyết định thành lập sàn giao dịch việc làm do các doanh nghiệp đề xuất, nhằm kết nối doanh nghiệp với các trường dạy nghề và cơ quan quản lý lao động.
Trung Thành-Báo CT