Theo Vinatex, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Nhật chuyển từ hàng tiêu dùng cao cấp sang hàng sản phẩm thấp cấp hơn, vì vậy các sản phẩm đơn giá thấp, chất lượng đang có lợi thế tại thị trường này.
Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may trong nước tăng xuất khẩu đối với mặt hàng này sang Nhật. Hiện Nhật Bản chiếm 10% trong tổng thị phần hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để được tận dụng mức thuế suất 0% hàng dệt may sang Nhật theo AJEPA, doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng được hai yêu cầu là hàng phải được sản xuất, gia công tại Việt Nam và nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu phải từ Việt Nam, Nhật hoặc ASEAN, trừ Indonesia, Philippines, Campuchia và Thái Lan.
Trong khi đó 70% nguyên phụ liệu phục vụ cho may xuất khẩu phải nhập khẩu, mà thị trường cung cấp lại từ nhiều nguồn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.... Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, do từ trước đến nay doanh nghiệp trong nước chỉ quen làm hàng gia công nên ít để ý đến việc yêu cầu các nhà cung cấp nguyên vật liệu cung cấp chứng nhận C/O xuất xứ. Vì thế khi làm hàng xuất sang Nhật, doanh nghiệp nên lưu ý giấy chứng nhận này ngay khi nhận nguyên vật liệu, vì nếu để lâu nhà cung ứng sẽ tìm cách từ chối.
Đối với trường hợp phải nhập nguyên vật liệu có xuất xứ tiêu chí không thuần túy Việt Nam, hay từ các nước khác không đáp ứng tiêu chí AJEPA, mà muốn xuất hàng sang Nhật và được hưởng quy chế của AJEPA, doanh nghiệp nên chuyển đổi mã số HF (tiêu chí CTC) hoặc áp dụng tiêu chí hàm lượng nội địa (LVC) sao cho đạt 40% nguyên vật liệu là từ Việt Nam và Nhật cộng lại.
Nếu nguyên vật liệu nào không thể chuyển đổi sang tiêu chí CTC hay LVC, doanh nghiệp không nên tính nguyên vật liệu này theo giá trị sản phẩm, đôi khi rất cao vượt chuẩn AJEPA, mà nên chuyển sang tính giá trị trọng lượng (dưới 10% sẽ đáp ứng yêu cầu AJEPA, như vải lót trong áo jaket…). Việc chuyển đổi tính toán này đã được phía Nhật đồng ý sau khi bàn bạc với Bộ Công Thương Việt Nam.
Vietnam+