Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo một số địa phương cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự đưa tin.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016 trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế VIETNAM EXPO lần thứ 26 là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận về các biện pháp xúc tiến xuất khẩu, phát triển sản xuất, phát triển thị trường, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam; trao đổi các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán; đồng thời trao đổi giải pháp nhằm nâng vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu uy tín, tin cậy, có năng lực, bền vững.
Chủ đề của Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2016 là "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu".
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tự do hóa thương mại là một động lực chính của thương mại quốc tế trong nhiều thập niên qua, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Á. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc tham gia vào quá trình này. Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng 2,94 lần, từ mức 111,3 tỷ USD năm 2007 lên mức 327,8 tỷ USD năm 2015. Trong đó, nhập khẩu tăng 2,6 lần và xuất khẩu tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, những kết quả trên chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để xuất khẩu hàng hóa.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác như EU, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, v.v... Đồng thời ASEAN đã chính thức là một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực.
Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, cụ thể: Thông qua các lộ trình cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng hơn khi thâm nhập vào các thị trường, các quốc gia đối tác trong các FTA, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đối với những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia các FTA làm nguyên liệu đầu vào thì chi phí sản xuất sẽ giảm, tạo sức cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận, sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu... phong phú hơn với giá thấp hơn, và áp dụng những mô hình, phương thức quản lý mới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Việc hội nhập kinh tế sâu rộng cũng sẽ giúp thúc đẩy niềm tin vào các nhà đầu tư trong và ngoài nước với môi trường kinh tế của Việt Nam, từ đó thúc đẩy mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau, như đối với các ngành có lợi thế so sánh (hàng nội thất, túi xách, da giày, may mặc, một số mặt hàng nông nghiệp...) sẽ được hưởng lợi nhiều hơn; còn những ngành kém lợi thế sẽ chịu thua thiệt ở nhiều mức độ khác nhau. Tương tự, sẽ có những doanh nghiệp có đủ năng lực, sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có các biện pháp xuất khẩu mạnh mẽ, hiệu quả sẽ đạt được thành công, ngược lại sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, ngoài một số thuận lợi, các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ còn một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện, cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Ngoài một số doanh nghiệp tiên phong, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự chủ động nắm bắt, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thế giới, chưa đủ tự tin trong việc đầu tư cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, khai thác thị trường. Trên thực tế, Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn do dự, thiếu sự tự tin để tham gia khai thác cơ hội mở rộng thị trường. Cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn do nguồn hàng nhập khẩu, cạnh tranh cả về giá và chất lượng do gỡ bỏ mức thuế suất nhập khẩu, hiện nay một số mức thuế suất giảm trung bình trên 10%. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi, v.v... Đây chính là rào cản chính mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để đạt được thành công trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng chúng ta cũng cần có một cách nhìn lạc quan, đó là thị trường thế giới rất rộng lớn, có đủ chỗ cho mọi doanh nghiệp có tầm nhìn, quyết tâm hội nhập, có đủ ý chí, bản lĩnh để thay đổi mình nhằm phù hợp với môi trường mới, luật chơi mới. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển biến về tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và đặc biệt cần tập trung, nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm theo thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bùi Huy Sơn cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, trong những năm qua, Cục XTTM đã phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương và cùng với các DN xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động XTTM trong và ngoài nước, đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận rằng, với nguồn lực tài chính, nhân lực eo hẹp, Cục XTTM cần phải tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo hơn nữa trong việc xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường Việt Nam đã và sẽ ký kết các FTA. Do vậy, hoạt động XTTM thời gian tới sẽ tập trung vào các hoạt động nhằm khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại, giúp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ việc tự do hóa mạnh mẽ thương mại, gắn kết thương mại – đầu tư đồng thời chủ động với các khó khăn, thách thức khi Việt Nam tham gia FTA.
Theo đó, một là, tập trung hỗ trợ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh các hoạt động XTTM – đầu tư tại các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA, đặc biệt là những đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, v.v… Đây là những thị trường có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung rõ nét, ít cạnh tranh trực tiếp. Các hoạt động XTTM - đầu tư một mặt nhằm quảng bá, tiếp thị sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu, mặt khác tìm kiếm bạn hàng, đối tác hợp tác đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Hai là, tăng cường triển khai các hoạt động XTTM ngay tại Việt Nam như tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế, hội nghị ngành hàng quốc tế, mời các nhà nhập khẩu, bạn hàng quốc tế đến Việt Nam mua hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước giao lưu với nhau và với các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ nguồn lực để trực tiếp tham gia các hoạt động XTTM tại nước ngoài. Ba là, triển khai các hoạt động XTTM nhằm tìm kiếm, tận dụng cơ hội tham gia chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập bền vững. Bốn là, song song với các hoạt động phát triển xuất khẩu, thu hút đầu tư, hoạt động XTTM trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng các hoạt động duy trì và phát thị trường trong nước. Tăng cường triển khai các hoạt động XTTM ngay tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả các hội chợ địa phương, hội chợ khu vực; tổ chức có hiệu quả các hoạt động liên kết XTTM các vùng trong nước, kết nối cung cầu, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, củng cố và phát triển hệ thống phân phối và và thị trường tiêu thụ trong nước, khai thác thị trường miền núi, nông thôn, hải đảo. Năm là, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động nhập khẩu nhằm đổi mới công nghệ, định hướng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực; giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu. Sáu là, tăng cường các hoạt động phổ biến và nâng cao nhận thức về vai trò của xây dựng, quản trị, bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập, từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam, qua đó củng cố, bảo hộ và nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm MADE IN VIETNAM. Bảy là, bên cạnh các hoạt động XTTM truyền thống cần kết hợp với các hình thức XTTM mới, đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động XTTM nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực.
Để công tác XTTM đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, theo ông Bùi Huy Sơn thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, về phần mình các doanh nghiệp cần quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp như: Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là tổ chức sản xuất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần tổ chức việc thu thập, phân tích, khai thác thông tin thương mại một cách trực tiếp và thường xuyên để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bám sát và tiếp cận được tiến bộ của thế giới trong sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường; Quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động XTTM trong và ngoài nước nhằm mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội, bạn hàng, nắm bắt được chính xác, thực tiễn nhu cầu thị trường đối với hàng hóa của mình từ đó xây dựng, triển khai phương án kinh doanh sát với thực tế, phù hợp với thị trường.
Theo ông Atsusuke KAWADA, Trưởng đại diện JETRO Hanoi, các doanh nghiệp khi khởi nghiệp tại Việt Nam thì hơn bất cứ điều gì, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng. Để làm được điều này, thì cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. Ông Atsusuke KAWADA cũng cho rằng, sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam cho các hoạt động trên là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp.
Chia sẻ về những nội dung Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex chuẩn bị để phát triển xuất khẩu trong thời gian tới, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, Tập đoàn đã đẩy mạnh, chuyển từ hình thức gia công sang hình thức FOB, ODM. Trong năm 2015, Tập đoàn (Công ty mẹ) đã triển khai 38 dự án, trong đó có 9 dự án sợi, 10 dự án dệt, 14 dự án may và 5 dự án khác như hạ tầng, trường đào tạo... với tổng mức đầu tư hơn 6 nghìn tỷ đồng. Vinatex đã cố gắng tạo ra các chuỗi đủ lớn trong Tập đoàn với nguồn lực cốt lõi do Tập đoàn chi phối và hình thành trên cơ sở các Tổng công ty, công ty con để từng bước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi như trong Hiệp định TPP cũng như quy tắc xuất xứ từ vải trong Hiệp định FTA Việt Nam-EU, v.v... Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng từng bước khắc phục điểm hạn chế về năng lực quản lý, khả năng tiếp thị cũng như trình độ lao động, đồng thời xác định củng cố nguồn nhân lực - yếu tố rất quan trọng trong công tác xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu Trong năm 2015, các trường đại học thuộc Tập đoàn đã tuyển sinh tổng cộng 6213 sinh viên, dự kiến trong năm 2016 tuyển sinh thêm 2975 sinh viên, quy mô đào tạo 9000 sinh viên. Trung tâm Đào tạo quản lý dệt may thuộc Tập đoàn đang tiến hành hoàn thiện các chương trình đào tạo, bước đầu đào tạo 146 học viên, dự kiến 2016 đào tạo 325 cán bộ quản lý, giám đốc xí nghiệp nhằm đẩy mạnh kinh doanh và sản xuất theo đúng quy định trong giai đoạn tới.
Kiến nghị tại Diễn đàn, ông Hoàng Vệ Dũng cho rằng, đẩy mạnh sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu phải kết hợp với nhau. Theo đó, lãnh đạo Vinatex đề xuất có các khu công nghiệp dệt may tập trung, có các khu xử lý nước thải chung, có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Nếu không có điều này, theo ông Hoàng Vệ Dũng chúng ta sẽ không có được hệ thống nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu. Về công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thông tin xuất khẩu, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, ông Hoàng Vệ Dũng cũng đề xuất có sự hỗ trợ tích cực từ phía các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, về đầu tư ngành may - thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước, Vinatex đề nghị Chính phủ, các địa phương cần có sự quy hoạch nhằm tránh tạo ra sự đầu tư chồng chéo, không cần thiết.
Với khoảng 139 hội viên, trong đó có 55 hội viên tham gia xuất khẩu cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,08 tỷ USD (796.400 tấn), chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên năm 2015, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường tới các hội viên. Qua đó, hội viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà nhập khẩu tại thị trường nước ngoài hoặc tại Việt Nam, nắm hiểu nhu cầu của thị trường, nhờ vậy đã tăng số lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội đã vận dụng các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã được Cục Xúc tiến thương mại phê duyệt và giao chủ trì thực hiện, thông qua 2 đề án "Mua thông tin thương mại ngành cao su" và "Tổ chức Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu". Trong giai đoạn 2011-2015, những đề án xúc tiến thương mại quốc gia đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần cung cấp thông tin thị trường và tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trước những khó khăn của thị trường thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng ngành cao su cần được sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thông qua các chính sách phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị tiếp tục tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại ngành/quốc gia để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm rủi ro do lệ thuộc lớn vào một vài thị trường; tăng cường quản lý chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su; tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp; cập nhật và cung cấp thông tin cảnh báo các vụ việc phòng vệ thương mại của các nước; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đảm bảo thời hạn giao hàng và giảm thiểu chi phí, v.v...
Thông qua Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2016, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá một cách sâu sắc về cơ hội cũng như thách thức của việc hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và tác động tới xuất khẩu của các doanh nghiệp nói riêng, đồng thời các doanh nghiệp cũng đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn, có tính xây dựng trong việc đề xuất các biện pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu. Qua đó, Bộ Công Thương có thể chuẩn bị tốt nhất cho nền kinh tế trước khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực chính thức.
Nguồn: moit.gov.vn