Năm 2011, ngành giấy Việt Nam sẽ chứng kiến những khoản đầu tư được thực hiện từ 2-3 năm trước bắt đầu phát huy hiệu quả. Bản thân ngành giấy sẽ chứng kiến bước tiến mạnh bởi những nhà máy mới đạt tầm cỡ quốc tế về quy mô và kỹ thuật, vượt trội hơn những công nghệ hiện tại và thúc đẩy tính cạnh tranh. Người tiêu dùng sẽ có một năm “hưởng lợi” với nhiều sản phẩm mới, đa dạng và cao cấp hơn, thay thế phần lớn cấu trúc mặt hàng giấy, vốn ít biến động trong nhiều năm qua.
Đối với ngành thép, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép DANA - Ý, Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện năng. “Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để có giá thành thấp không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn ở trong khối ASEAN bằng cách đầu tư công nghệ mới hiện đại, liên hoàn”.
Hơn 500 tỷ đồng là số tiền mà công ty dùng để đầu tư dây chuyền công nghệ luyện Consteel trong sản xuất thép. Đây là dây chuyền công nghệ luyện thép có chức năng nạp liên tục nên tiết kiệm rất nhiều điện năng và hạn chế ô nhiễm môi trường cao. Dây chuyền này có công suất 250.000 tấn/năm, gồm dây chuyền cán thép cây từ phi 10 đến phi 32 và dây chuyền luyện thép công suất 40 tấn, sử dụng công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn An – Tổng giám đốc Công ty CP Thép Thái Bình Dương, Đà Nẵng - cho rằng, việc tăng giá điện mang tính tất yếu là để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Trong chiến lược kinh doanh của công ty, Thép Thái Bình Dương đã lường trước điều này, do đó, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, giảm bớt hao phí điện năng để giảm giá thành từ khâu nấu luyện đến thành phẩm nên có giá cạnh tranh rất cao.
Trong khi đó, đầu tháng 2/2011, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNC) đưa Nhà máy sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật cao, Nhà máy sản xuất nhựa Đô Thành vào hoạt động và động thổ Nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC tại huyện Củ Chi.
Dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật cao được xây dựng trên diện tích 60.000m2, vốn đầu tư 230 tỷ đồng, dự kiến sản xuất 150 triệu sản phẩm cao su kỹ thuật cao mỗi năm, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhà máy sản xuất nhựa Đô Thành rộng 40.000m2, vốn đầu tư 80 tỷ đồng, công suất 4.000 tấn sản phẩm bao bì nhựa/năm, cũng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc CNC cho biết, các dự án đầu tư trên nhằm tập trung sản xuất theo hướng hiện đại hoá các ngành công nghiệp mũi nhọn, cho ra các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, mang lại giá trị gia tăng lớn, tiến tới thay thế hàng ngoại nhập. Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ nên trong quý I/2011 doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 23,55% kế hoạch (tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2010), lợi nhuận đạt 22,1% kế hoạch (tăng 1,48% so cùng kỳ)…
Tổng công ty Công nghiệp in - bao bì Liksin cũng mạnh dạn đầu tư, cập nhật công nghệ mới với nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt đến hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao. Năm 2010, Liksin đã đầu tư hai thiết bị có hàm lượng công nghệ hiện đại nhất thế giới là máy in Offset Speedmaster CD-102-6-LX-UV của Đức và máy in Flex Gallus EM 510 của Thuỵ Sĩ. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị mới, Liksin còn áp dụng Hệ thống quản lý LEAN và Chỉ số đo lường hiệu suất KPI nên tạo được một môi trường làm việc hoàn toàn mới, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco), đơn vị sản xuất pin quy mô tại TP.HCM, vừa đưa nhà máy thứ 4 đi vào hoạt động (nhà máy lớn nhất của công ty), rộng 60.000m2, tổng công suất thiết kế 2 triệu kWh ắc quy/năm với thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhập từ Mỹ và châu Âu.
Nhà máy sẽ đưa ra thị trường các dòng sản phẩm ắc quy cao cấp như ắc quy không bảo dưỡng (CMF) dùng cho ôtô, ắc quy kín (VRLA) dùng cho xe gắn máy, cho thắp sáng và trong bưu chính viễn thông. Việc đầu tư nhà máy với cộng nghệ thiết bị tiên tiến này là niềm tự hào và kỳ vọng vào sự phát triển lớn mạnh của Pinaco trong thời gian tới. Dự kiến, năm 2011, Pinaco sẽ tham gia câu lạc bộ các công ty có doanh thu 2.000 tỷ đồng.
Công ty CP Sơn Á Đông, bên cạnh việc luôn duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, còn tăng hợp tác quốc tế để tiếp nhận những kỹ thuật tiên tiến của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… thông qua việc chuyển giao công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất. Á Đông đang xây dựng một nhà máy mới tại KCN Hải Sơn, Long An, rộng 30 ngàn m2, đầu tư thêm dây chuyền công nghệ thế hệ mới để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Do có cái nhìn tổng thể và dài hạn, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Vĩnh Lập Hưng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến dây chuyền thiết bị liên hoàn, hoàn toàn tự động để đưa ra sản phẩm thân thiện môi trường và tăng chất lượng. Vì thế các mặt hàng nhựa gia dụng, nhựa công nghiệp phục vụ cho thị trường thực phẩm, hoá chất, dùng trong sản xuất nước giải khát của công ty đang được các chợ đầu mối ở TP.HCM, các siêu thị như Maximark, Citimart, BigC, Siêu thị miền Đông, Khu vực ĐBSCL… tiêu thụ mạnh.
Casumina, thương hiệu mạnh trong lĩnh vực sản xuất xăm lốp xe cũng có dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất lốp xe tải Radian toàn thép công suất 1.000.000 lốp/năm. Đây là dự án có ý nghĩa quyết định đến chiến lược phát triển của Casumina trong tương lai.
Nguồn: Chinhphu.vn