Các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu vào 4 thị trường trọng điểm là Mỹ chiếm trên 38%, Trung Quốc hơn 15%, EU 14% và Nhật Bản 14%. Thị trường xuất khẩu dăm mảnh chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.Đây là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ xuất siêu cao so với cả nước (khoảng 3 tỷ USD, tương ứng 65%). Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.Dự báo, năm 2013, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng trưởng khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,5 tỷ USD, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là những thị trường có mức tăng trưởng cao. Với hơn 3.000 nghìn cơ sở chế biến và hơn 300 doanh nghiệp trồng rừng trong cả nước đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đang rất lo lắng vì từ 3/3/2013 Quy chế FLEGT bắt đầu có hiệu lực (còn gọi là Quy chế 995/2010 - một quy định mới về Gỗ của EU trong khuôn khổ Kế hoạch hành động về thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản được thông qua từ năm 2010. Quy chế này quy định cấm nhập khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường EU và yêu cầu các nhà kinh doanh cung cấp gỗ lần đầu tiên vào thị trường này phải thực hiện trách nhiệm giải trình.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp không nên hoang mang, vấn đề là chúng ta cần đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp, cùng với đó phối hợp với các khách hàng phía EU để hiểu thêm các thủ tục về giải trình. Quy chế FLEGT đã buộc các doanh nghiệp kinh doanh gỗ Việt Nam phải cải thiện quy trình kinh doanh sản xuất để có những thích ứng kịp thời. Theo đó, Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm FSC - CoC là cơ sở giúp người tiêu dùng xác định được sản phẩm gỗ có nguồn gốc rừng được quản lý tốt, an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt về môi trường và xã hội. Đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp trồng, chế biến và sản xuất các sản phẩm gỗ Việt Nam đáp ứng được một trong những tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Chứng chỉ FSC - CoC không hoàn toàn là có thể đáp ứng được 100% yêu cầu của quy chế FLEGT; nhưng đó là tiền đề quan trọng, tạo ra lợi thế rất lớn để các đơn vị dễ dàng vượt qua các cuộc sát hạch của Châu Âu và các thị trường khác trong thời gian tới.Theo khảo sát 56 doanh nghiệp tại Bình Định, một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, của chương trình lâm nghiệp Việt – Đức GIZ, 51/56 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 91% có chứng chỉ FSC - CoC.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, trong kế hoạch kinh doanh của mình các DN phải có phương án giải trình cho tốt, đặc biệt khi mình mua các sản phẩm gỗ từ đâu, từ nước nào thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Thời gian qua Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cũng có những thông báo, hỗ trợ thông tin rất rõ về quy chế FLEGT từ EU để cho các DN nắm bắt được tinh thần này và có các phương án cho xuất khẩu.Khánh ChiQuy chế FLEGT nhằm đưa ra các quy định cấm nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường châu Âu và yêu cầu các nhà kinh doanh cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ lần đầu tiên vào thị trường châu Âu phải thực hiện “trách nhiệm giải trình”. Quy chế này áp dụng đối với cả gỗ và các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường EU cũng như sản xuất trong nước, bao gồm các sản phẩm gỗ cứng, ván sàn, gỗ dán, bột giấy và giấy. Các sản phẩm tái chế, tre, nứa và sản phẩm giấy đã in như sách, tạp chí và báo không thuộc phạm vi áp dụng của quy chế này. Phạm vi sản phẩm áp dụng có thể được EU điều chỉnh nếu cần thiết. Gỗ và các sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT hoặc CITES được coi là tuân thủ theo các yêu cầu của Quy định này.
Nguồn: KV4 (Moit)