Khoa học - Công nghệ
Kết quả cuộc khảo sát mức độ lạc quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do HSBC tiến hành trên toàn cầu cho thấy, chỉ số lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh trong 6 tháng tới tại các thị trường phát triển sụt giảm trong khi tại các thị trường mới nổi, chỉ số này tiếp tục tăng.


Cuộc khảo sát lần này có quy mô lớn nhất với sự tham gia của hơn 6.300 doanh nghiệp từ 21 quốc gia tại châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh. Ông Alan Keir- Giám đốc toàn cầu khối Tài chính doanh nghiệp của HSBC- cho biết: “Tiêu dùng cá nhân tăng trở lại cùng với việc tái tích trữ hàng hóa trên toàn cầu và thanh khoản tốt từ các nước phương Tây đã thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường mới nổi. Một thông tin thú vị khác của kết quả khảo sát là các DNVVN đã và đang có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh ra thị trường quốc tế. Điều này cũng cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trên bản đồ hoạt động của các DNVVN hiện nay”.

Các thị trường mới nổi tiếp tục có quan điểm lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế trong 6 tháng tới khi có gần một nửa (43%) các doanh nghiệp được hỏi cho rằng, nền kinh tế của quốc gia họ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Tại các thị trường phát triển chỉ có 12% số doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong khi có tới 26% cho rằng kinh tế sẽ suy thoái.


Các kế hoạch về tăng nhân công hay tăng đầu tư vốn vẫn giữ ở mức ổn định trên toàn cầu khi có tới 33% DNVVN tại các thị trường mới nổi có kế hoạch tăng số lượng nhân viên (so với 17% tại các thị trường phát triển) và 48% có kế hoạch tăng vốn đầu tư trong 6 tháng tới (so với 27% tại các thị trường phát triển). Các DNVVN trên toàn cầu đang có các hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế sẽ tăng từ 29% ở thời điểm hiện tại lên 40% vào năm 2013. Mức tăng này có được do 18% các DNVVN nội địa cho biết họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế trong 2 năm nữa.


Mặc dù giảm 8 điểm so với kết quả lần trước, nhưng mức độ lạc quan của các DNVVN Việt Nam vẫn giữ ở mức tích cực, đạt 156 điểm, đứng thứ hai trên thế giới so với mức bình quân toàn cầu đạt 125 điểm. Điều này cũng phản ánh đúng mức độ lạc quan về phát triển kinh tế khi có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có tham gia các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Con số này cao hơn rất nhiều khi so sánh với tỉ lệ 29% trên toàn cầu.


Khi được hỏi về dự định kinh doanh trên thị trường quốc tế trong hai năm tới, hơn một nửa số DNVVN Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho biết họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh (42%) hoặc tiếp tục công việc kinh doanh hiện tại tại các thị trường quốc tế; 18% có kế hoạch tiến ra thị trường quốc tế trong khi 31% không có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra ngoài biên giới quốc gia. Một con số đáng kể khác là 37% doanh nghiệp nội địa có kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài trong vòng 2 năm tới.


Chia sẻ những khó khăn khi mở rộng kinh doanh ra các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp cho biết, nguồn vốn và những hiểu biết về các vấn đề liên quan tới giao dịch bằng ngoại tệ luôn là những quan tâm hàng đầu của họ. Bên cạnh đó, mức độ phức tạp của các chính sách thuế, quản lý ngoại tệ, các quy định của pháp luật địa phương, đối tác và kinh nghiệm kinh doanh tại các thị trường nước ngoài cũng gây không ít khó khăn.


Khi mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, 48% DNVVN Việt Nam cho biết họ cần các thông tin phòng ngừa rủi ro về ngoại tệ và các quy định của địa phương, 46% cần biết về các nguồn vốn mà họ có thể tiếp cận. Các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các quy định về thuế và tư vấn về luật pháp nếu muốn kinh doanh tại thị trường quốc tế. 95% số doanh nghiệp được hỏi cho biết lý do chủ yếu mà họ mở rộng công việc kinh doanh ra nước ngoài là nhằm tăng doanh thu và 48% mong muốn chiếm lĩnh thị trường khách hàng mới.


Ba mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian 6 tháng tới là lạm phát, các điều kiện tăng trưởng kinh tế và các khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy các biện pháp của chính phủ như: chính sách tiền tệ, các gói kích cầu kinh tế… đóng một vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng khi 53% số doanh nghiệp được hỏi cho biết các chính sách này hỗ trợ rất nhiều cho công việc kinh doanh của họ. Trong khi đó, 28% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chính nhu cầu nội địa cũng đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian qua.
 

Bài và ảnh: Kiều Trang