Theo Báo cáo Tổng hợp kết quả hoạt động khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực Nam vừa diễn ra tại thành phố Tân An, tỉnh Long An cho biết, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2013 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 64,22 tỷ đồng, giảm 3,89% so với năm 2012; Kinh phí khuyến công địa phương đến tháng 9/2013, có 18/20 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí, với tổng kinh phí là 46,1 tỷ đồng, giảm 2,71% so với kế hoạch năm 2012.


Cũng theo Báo cáo, kinh phí hoạt động khuyến công tập trung ở những nội dung: đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, chiếm 24,48% kế hoạch kinh phí; nâng cao năng lực quản lý, chiếm 6,04% kế hoạch kinh phí; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học, chiếm 30,38% kế hoạch kinh phí; phát triển sản phẩm CNNTTB, chiếm 4,12% kế hoạch kinh phí; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, 9,98% kế hoạch kinh phí; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện, kinh phí thực hiện chiếm 13,49% kế hoạch kinh phí...

 

Báo cáo cũng cho biết, 20 tỉnh, thành phố phía Nam trong 9 tháng đầu năm, đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.690 lao động, đạt 65,55% kế hoạch, với kinh phí giải ngân là 6,399 tỷ đồng, đạt 40,7% kế hoạch; hỗ trợ xây dựng và trình diễn được 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, hoàn thành hỗ trợ 117 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất, đã giải ngân được 7,651 tỷ đồng, đạt 39,21% kế hoạch; hỗ trợ 56 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước, tổ chức được 02 hội chợ, đã giải ngân được 1,024 tỷ đồng, đạt 38,71% kế hoạch; công tác nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện 9 tháng đã giải ngân được 1,080 tỷ đồng, đạt 12,47% so với kế hoạch…

 

Từ các số liệu báo cáo cho thấy, hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, góp phần thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thiết thực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường... Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2013 cho thấy: công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công, việc tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí khuyến công còn chậm so với tiến độ và yêu cầu; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, thanh quyết toán các đề án khuyến công chưa được tăng cường; mức kinh phí hỗ trợ các đề án khuyến công thấp chưa tác động mạnh đến khuyến khích cơ sở CNNT tích cực tham gia; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động khuyến công; còn có những địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động khuyến công... Các hạn chế này đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công.

 

Để tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của hoạt động khuyến công trong việc khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới... thì việc đổi mới phương thức hoạt động khuyến công là một yêu cầu cấp thiết.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị các Sở Công Thương, các Trung tâm khuyến công cần báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến chính sách hoạt động khuyến công trên địa bàn; cần chủ động phát huy nội lực, tăng cường liên kết hợp tác giữa các trung tâm khuyến công các tỉnh để xây dựng các chương trình thiết thực hiệu quả cho hoạt động khuyến công ở địa phương. Thứ trưởng cũng yêu cầu cần nghiên cứu, bổ sung, gắn kết các chương trình khuyến công quốc gia với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để từ đó xây dựng nội dung hoạt động phù hợp với đặc thù của các địa phương tạo hiệu quả cao cho những chương trinh khuyến công của những năm tiếp theo.

ARID.